IMF: Khủng hoảng COVID-19 không như bất kỳ cuộc suy thoái nào

Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không giống bất kỳ cuộc suy thoái nào trước đây và các quốc gia cần phải có một phản ứng tổng thể, đảm bảo sự phục hồi kinh tế.

Đó là nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra hôm 9-4, vài ngày trước Cuộc họp mùa xuân của IMF và Ngân hàng thế giới (World Bank), theo hãng tin AFP.

Hiện đã có gần 1,6 triệu ca nhiễm và hơn 95.000 người chết vì COVID-19 tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, vì thế nền kinh tế toàn cầu đã phải tạm dừng hoạt động để ưu tiên cho việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Với những thiệt hại đó, bà Georgieva nói rằng thế giới nên chuẩn bị đón nhận "sự khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 1929".

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: REUTERS

Bà Georgieva cho biết IMF đã dự đoán "tăng trưởng toàn cầu sẽ chuyển biến tiêu cực" trong năm nay với 170 trong số 180 thành viên của IMF chứng kiến sự suy giảm thu nhập bình quân đầu người.

Ngay cả với một kịch bản khả quan nhất, IMF cũng chỉ mong đợi "sự phục hồi một phần nào đó" vào năm 2021 nếu đại dịch COVID-19 kết thúc trong năm nay.

“Đại dịch có thể trở nên tồi tệ hơn” - bà Georgieva nói với sự thận trọng. “Vẫn có một sự không chắc chắn lớn về tình hình tương lai”.

Bà Georgieva còn cho biết các thị trường mới nổi đã mất khoảng 100 tỉ USD đầu tư, cao gấp ba lần trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Còn nhớ, hồi tháng 1, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, IMF dự kiến triển vọng tăng trưởng toàn cầu đạt 3,3% trong năm nay và 3,4% vào năm 2021. Nhưng giờ mọi chuyện có thể đã khác.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự kiến GDP toàn cầu sẽ giảm 2,8%, cao hơn so với mức giảm 2,1% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Dự đoán này ngược lại với những dự đoán trước đó của IIF về sự tăng tưởng mạnh mẽ tới 2,6% của GDP toàn cầu. 

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới cũng có biết lần đầu tiên sau 25 năm, đại dịch có thể gây ra một cuộc suy thoái ở châu Phi - châu lục với nhiều nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới.

Theo AFP, vào ngày 14-4 tới, IMF sẽ đưa ra những dự báo về tình hình kinh tế năm 2020 và 2021 cho các thành viên trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”.

Hành động từ IMF

Về phục hồi nền kinh tế thế giới, bà Georgieva nhấn mạnh: “Việc này phụ thuộc vào các hành động quyết liệt ngay từ bây giờ. IMF có khả năng cho vay 1.000 tỉ USD và đang đáp ứng tài trợ khẩn cấp cho hơn 90 quốc gia nếu họ yêu cầu”.

Nếu kết hợp các biện pháp hỗ trợ của các quốc gia trên thế giới thì được khoảng 8.000 tỉ USD nhưng bà Georgieva vẫn tiếp tục kêu gọi chính phủ các nước cần làm nhiều hơn nữa.

"Trợ giúp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp là bắt buộc nhằm tránh một “vết sẹo” vì sẽ khiến sự hồi phục nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hơn”.

Bà Georgieva tiếp tục kêu gọi chính phủ các nước cần hành động nhiều hơn để vực dậy nền kinh tế. Ảnh minh họa

Theo AFP, Ban Giám đốc của IMF đã phê duyệt tăng gấp đôi các khoản cho vay khẩn cấp với khoảng 100 tỉ USD và tiến tới xóa nợ cho các nước nghèo nhất, cũng như giúp đỡ các quốc gia có mức nợ không thể thanh toán được.

"Đây là triển vọng ảm đạm đối với các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Cuộc khủng hoảng này không có ranh giới. Tất cả mọi người đều phải hứng chịu" - Georgieva nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới