Ngày 8-4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục có các phát biểu chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi người đứng đầu tổ chức này yêu cầu ông không nên chính trị hóa dịch bệnh COVID-19, theo đài CNN.
“Tôi không thể tin rằng ông ấy vẫn nói về chính trị khi nhìn vào mối quan hệ giữa tổ chức đó với Trung Quốc (TQ). TQ chi 42 triệu USD, chúng tôi đã chi 450 triệu USD và mọi thứ dường như đi theo cách của TQ. Điều đó không đúng, nó không công bằng với chúng tôi và thật lòng nó không công bằng với thế giới” - ông Trump nói.
Nguồn cơn của cuộc tranh cãi gay gắt giữa cường quốc này và WHO bắt nguồn từ phát ngôn ngày 7-4 (giờ địa phương) của nhà lãnh đạo Mỹ khi ông Trump khẳng định WHO quá thiên vị TQ và dọa cắt tài trợ tổ chức này.
Khả năng Mỹ cắt tài trợ WHO
Cũng trong ngày 7-4, Tổng thống Trump có vẻ như lùi lại một chút trong tuyên bố đòi cắt tiền tài trợ cho WHO. Khi một phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề này, ông giải thích như sau: “Tôi không nói là sẽ làm điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cân nhắc”.
Tờ The New York Times nhận xét tổng thống Mỹ trước đây cũng thỉnh thoảng đe dọa kiểu này nhưng sau đó ông lại đổi ý. Lần này tuy chưa rõ ra sao nhưng nếu Mỹ thật sự cắt tài trợ cho WHO sẽ ảnh hưởng lớn đến sứ mệnh của tổ chức này vì nguồn tiền từ Mỹ chiếm đến 10% ngân sách. Ngân sách dành cho WHO ước tính khoảng 6 tỉ USD trong năm 2019, được đóng góp từ các quốc gia thành viên trên khắp thế giới.
Ngoài ra, đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự thiếu tin tưởng đối với WHO. Ngay trước buổi họp báo mới nhất, trên Twitter, ông Trump cũng đã bày tỏ sự thất vọng vì sao WHO lại đưa ra những khuyến nghị sai lầm như thời gian vừa rồi. Và theo ông Trump, đây chính là nguyên do khiến đại dịch COVID-19 bùng nổ như hiện nay. Còn trước đó, hồi tháng 2, trong các đề xuất về ngân sách cho năm tài khóa mới, ông Trump đã tìm cách cắt giảm một nửa khoản đóng góp của Mỹ cho WHO. Một báo cáo gần đây nhất của WHO cho thấy chính quyền Mỹ dự kiến chỉ cung cấp gần 116 triệu USD cho tổ chức này trong giai đoạn 2020-2021.
Tổng thống Donald Trump chỉ trích WHO trong chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: CNN
Thực hư chuyện WHO “thiên vị” Trung Quốc
Được biết WHO được tài trợ không chỉ bởi các quốc gia, mà cả các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức, công ty, trường đại học và các liên minh chính phủ. Vì thế WHO đã trở thành tổ chức lĩnh xướng phản ứng toàn cầu, đảm bảo duy trì các nguyên tắc y tế quốc tế công bằng, để tất cả cùng chung tay đẩy lùi các dịch bệnh quy mô lớn.
Dù vậy, theo các chuyên gia, WHO hiếm khi phải xử lý một đại dịch như COVID-19 mà liên quan đến một nước lớn như TQ. Do đó, một phần ảnh hưởng từ Bắc Kinh ít nhiều sẽ không thể tránh khỏi.
Cách ứng phó duy nhất trước đại dịch toàn cầu là cả thế giới cùng nhau hợp tác ở mọi cấp độ. Việc đẩy lùi COVID-19 chỉ phát huy tác dụng nếu các nước hiểu rằng đây là mối đe dọa toàn nhân loại và hành động vì lợi ích chung. TS khoa học chính trị AIDAN TURNER, ĐH Cornell (Mỹ) |
Như ngày 14-1, WHO tuyên bố không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của virus mới. Đến ngày 31-1, WHO cũng khuyên các nước không nên đóng cửa biên giới dù dịch bệnh đang vào giai đoạn bùng phát. Nếu hành động này không phải xuất phát từ “sức ép chính trị” như lời Tổng giám đốc Tedros thì đó lại là một biểu hiện yếu kém về chuyên môn của một tổ chức y tế hàng đầu thế giới trước một đại dịch toàn cầu.
Dù Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đã bác bỏ việc tổ chức này phải chịu sức ép của TQ, thế nhưng nhiều tuyên bố của đại diện WHO thời gian qua đã vấp phải nhiều tranh cãi và chỉ trích.
Dù cho đến thời điểm này WHO được đánh giá là vẫn chưa có sai phạm nào quá nghiêm trọng, song các chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới khi dịch COVID-19 đạt đỉnh ở nhiều quốc gia, trong khi nguồn lực của WHO là rất hạn chế. Hơn nữa, tổ chức này không có chế tài nào để buộc các nước thành viên phải tuân thủ khuyến nghị của mình nếu không muốn bị trừng phạt.
WHO đánh giá 100 ngày thế giới chống dịch Phát biểu ngày 9-4, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết qua 100 ngày dịch bệnh lây lan trên thế giới, WHO nhìn chung đã thực hiện tốt vai trò của mình, theo hãng tin AP. Cụ thể, ông Tedros nhấn mạnh WHO đã thực hiện toàn diện năm việc: (1) Hỗ trợ các nước xây dựng năng lực chuẩn bị; (2) Làm việc với nhiều đối tác để cung cấp thông tin chính xác và tư vấn về phòng, chống bệnh dịch; (3) Cung cấp các thiết bị y tế thiết yếu cho nhân viên y tế tuyến đầu; (4) đào tạo và huy động nhân viên y tế; (5) Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vaccine. |