Ông Trump: WHO không công bằng với thế giới

Ngày 8-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ trích Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đang lấy Trung Quốc là trung tâm cho các hành động của tổ chức này trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, hãng tin Al Jazeera cho hay.

Ông Trump lên tiếng sau khi ông Tedros nói ông "đừng chính trị hóa chuyện đại dịch COVID-19" nếu không muốn thấy thêm nhiều người chết vì nó. Sở dĩ ông Tedros nói thế vì ngày 7-4, ông Trump nói WHO thiên vị Trung Quốc trong vụ đại dịch COVID-19, đồng thời dọa sẽ cắt tiền hỗ trợ cho tổ chức này.

 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đang có những chỉ trích qua lại về cách ứng phó trước đại dịch COVID-19. Ảnh: AL JAZEERA

Ngày 8-4, trong cuộc họp báo với đội đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng, ông Trump cho rằng "khi ông Tedros nói về việc chính trị hóa (đại dịch COVID-19 - PV), chính ông ấy đang chính trị hóa nó".

Ông Trump: WHO đáng ra đã làm tốt hơn

Tổng thống Mỹ nói: "Ông Tedros lẽ ra đã phục vụ tốt hơn cho những người đáng ra ông ấy phải phục vụ nếu họ (WHO - PV) đưa ra sự phân tích chính xác".

Ông Trump chỉ trích các hành động của WHO đều lấy Trung Quốc là trung tâm, còn các tuyên bố của WHO chỉ lặp lại lời của Bắc Kinh, bao gồm cả các thông báo ban đầu rằng không có sự lây nhiễm giữa người với người.

Tổng thống Mỹ nói thêm rằng: "Ông Tedros muốn tôi tiếp tục mở cửa biên giới. Bất chấp điều đó, tôi đã đóng cửa biên giới - đó là một quyết định khó khăn vào thời điểm đó. Chúng ta đã đưa một quyết định chống lại WHO".

Ông Trump cũng chỉ trích "dường như mọi thứ đều theo cách của Trung Quốc. Điều đó không công bằng với chúng tôi và thành thật mà nói, nó không công bằng với thế giới".

Tổng thống Trump cho biết Mỹ đã đóng góp 452 tỉ USD cho WHO trong năm ngoái và hàng trăm tỉ USD trong các năm trước đó. Còn Trung Quốc chỉ đóng góp 42 tỉ USD.

Ông Pompeo: Chưa phải lúc để thay đổi lãnh đạo WHO

Cũng trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi tất cả các quốc gia, kể cả Trung Quốc, cần minh bạch thông tin dịch bệnh và chia sẻ dữ liệu với nhau.

Ông không phủ nhận giả thuyết Trung Quốc đã che giấu thông tin dịch bệnh, song cho biết "vẫn còn thời gian cho sự rõ ràng và minh bạch". Ông nhấn mạnh vì dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, nước này có trách nhiệm đặc biệt phải công bố những thông tin chính xác và nhanh chóng.

Theo ông Pompeo, sự minh bạch rất quan trọng vì nó giúp các nhà khoa học có thể cùng nhau tìm ra phác đồ điều trị, thuốc đặc trị và vaccine ngừa COVID-19. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: REUTERS

Khi được hỏi về việc có nên thay đổi bộ máy lãnh đạo WHO như nhiều đề xuất trong thời gian gần đây, ông Pompeo cho rằng "bây giờ chưa phải là lúc để thực hiện những thay đổi như vậy, còn rất nhiều thời gian để nhìn lại và xem WHO đã hành động như thế nào".

Thay vào đó, những gì Mỹ cần làm là "bảo vệ và giữ cho những người nộp thuế ở Mỹ" và đảm bảo mọi hành động hỗ trợ bằng nguồn lực của Mỹ sẽ bị bất kỳ bên nào lợi dụng.

Ai muốn ông Tedros từ chức và ai ủng hộ ông?

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa - bà Martha McSally hôm 2-4 đã đề nghị Tổng Giám đốc WHO từ chức khi cho rằng ông Tedros đã bao che sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong việc chống dịch COVID-19, theo tờ Fox News.

Một số chính trị gia khác như Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Thượng nghị sĩ Rick Scott (đều thuộc đảng Cộng hòa) và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc - bà Nikki Haley - yêu cầu WHO phải chịu trách nhiệm cách phản ứng của mình trước đại dịch.

Còn trên trang change.org, một chiến dịch thu thập chữ ký đòi ông Tedros từ chức đã được khởi động từ cuối tháng 1. Sau hơn hai tháng, chiến dịch đã thu thập được khoảng 767.000 chữ ký ủng hộ (mục tiêu là 1.000.000 chữ ký).

Trong khi đó, hai chiến dịch khác cũng được khởi động trên change.org trong năm ngày gần đây với quan điểm ủng hộ cách phản ứng của ông Tedros. Một chiến dịch đã thu thập được gần 72.000 chữ ký ủng hộ (mục tiêu là 75.000 chữ ký) và chiến dịch còn lại có được 3.900 chữ ký ủng hộ (mục tiêu là 5.000 chữ ký).

Change.org là một nền tảng thu thập ý kiến trực tuyến, nơi mọi người có thể đưa ra đề xuất cá nhân và thuyết phục người dùng Internet trên toàn cầu ủng hộ ý kiến của mình. Các đề xuất không có tính chất pháp lý chính thức nhưng cũng thể hiện quan điểm của một bộ phận nhất định người dân thế giới.

Trong lúc còn nhiều ý kiến trái chiều về cách hành xử của WHO, Mỹ và Trung Quốc, chính phủ các nước vẫn phải tiếp tục những nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Tính đến tối 9-4, 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã phát hiện gần 1.533.900 ca nhiễm COVID-19, có 89.752 bệnh nhân đã tử vong và 337.517 bệnh nhân đã được chữa khỏi, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer.

Mỹ đang là ổ dịch lớn nhất thế giới với 435.160 ca nhiễm, chiếm hơn 28% số ca nhiễm trên toàn cầu. Có gần 14.800 người đã tử vong và gần 22.900 bệnh nhân được chữa khỏi.

Ngoài Mỹ, bốn ổ dịch khác của thế giới là Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp đều đã phát hiện hơn 100.000 ca nhiễm, trong đó Tây Ban Nha, Ý và Pháp đã có hơn 10.000 người tử vong vì COVID-19. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm