Indonesia khởi động vai trò chủ tịch ASEAN, ưu tiên giải quyết khủng hoảng chính trị ở Myanmar

(PLO)- Với vai trò chủ tịch ASEAN, Indonesia ưu tiên giải quyết tình trạng khủng hoảng tại Myanmar; Hội đồng Quốc phòng và An ninh Myanmar gia hạn tình trạng khẩn cấp trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-2, kênh Channel News Asia đưa tin rằng trong hôm nay Indonesia sẽ chính thức khởi động vai trò chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng việc tổ chức các cuộc họp quan trọng đầu tiên.

Theo đó, các bộ trưởng ngoại giao của nhóm sẽ tập trung tại trụ sở Ban thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia) để thảo luận về một loạt vấn đề ảnh hưởng đến khu vực.

Theo Ngoại trưởng Indonesia - ông Retno Marsudi, với nhiệm kỳ chủ tịch của mình, trong cuộc họp lần này Jakarta sẽ đưa ra các thông điệp và cam kết giúp đỡ Myanmar giải quyết tình trạng khủng hoảng trong nước.

Bà Noeleen Heyzer - Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Myanmar. Ảnh: UN.ORG

Bà Noeleen Heyzer - Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Myanmar. Ảnh: UN.ORG

Cụ thể, ông Marsudi nói “chúng tôi muốn thực hiện Đồng thuận 5 điểm. Đây sẽ là nền tảng chính của ASEAN trong nỗ lực giúp Myanmar thoát khỏi tình trạng khủng hoảng chính trị như hiện tại”.

Theo Channel News Asia, Đồng thuận 5 điểm (5PC) là kế hoạch hòa bình của ASEAN cho Myanmar, được 10 nhà lãnh đạo của khối cùng thống nhất hồi tháng 4-2021 tại Jakarta, hai tháng sau khi cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar xảy ra.

Theo kế hoạch này, các bên sẽ chấm dứt tình trạng bạo lực ngay lập tức, tổ chức các cuộc đối thoại, đồng thời ASEAN sẽ bổ nhiệm 1 đặc phái viên nhằm hỗ trợ các hoạt động nhân đạo trong khu vực.

Cùng diễn biến, trước đó, ngày 31-1, bà Noeleen Heyzer - Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Myanmar cho biết bà có kế hoạch tập hợp các thành viên ASEAN và các nước láng giềng của Myanmar cùng thành lập một khuôn khổ bảo vệ khu vực, nhằm giúp đỡ những người đang chịu ảnh hưởng của tình trạng hỗn loạn.

Bà Heyzer còn cho biết bà đang kêu gọi cộng đồng quốc tế và khu vực hành động như một mặt trận thống nhất nhằm đối phó tình trạng khủng hoảng tại Myanmar, đồng thời gây áp lực buộc chính quyền phải chấm dứt bạo lực, lắng nghe người dân và đưa đất nước trở lại bình thường.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Điều hành Nhà nước Myanmar, và là Thống tướng Myanmar - ông Min Aung Hlaing cho biết tình trạng khẩn cấp trong nước cần được gia hạn, bởi tình hình hiện tại của Myanmar vẫn chưa trở lại bình thường. Vậy nên Hội đồng Quốc phòng và An ninh Myanmar đã nhất trí đưa ra mức gia hạn tình trạng khẩn cấp tại nước này thêm 6 tháng hồi 1-2, theo đài truyền hình quốc gia Myanmar MRTV.

Theo ông Hlaing, quân đội nước này sẽ bảo vệ Hiến pháp quốc gia và các cuộc bầu cử đa đảng cần phải được tổ chức, song hiện mốc thời gian diễn ra các cuộc bầu cử vẫn chưa được tuyên bố. Tuy nhiên theo MRTV, các cuộc bầu cử có thể được dời tới sau tháng 8 năm nay, bởi bầu cử không được tổ chức khi đất nước đang trong tình trạng khẩn cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm