Đài Press TV đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Araqchi vừa bác bỏ khả năng xảy ra các cuộc đàm phán giữa Tehran và Washington. Ông Araqchi cũng nói rằng điều này sẽ chỉ diễn ra khi Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đa phương năm 2015 (JCPOA).
"Chúng tôi chỉ nói chuyện với các nước châu Âu về 11 yêu cầu cụ thể của chúng tôi (dựa trên JCPOA) và chúng tôi sẽ không đàm phán với Mỹ" - ông Araqchi nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tối 28-8.
Ông cũng nói thêm rằng "không quốc gia nào chấp nhận tham gia đàm phán trong khi phải chịu áp lực tối đa", bởi vì làm như vậy có nghĩa là "đầu hàng".
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Araqchi. Ảnh: Press TV
Nhà ngoại giao Iran cũng nhắc lại rằng các cuộc đàm phán với Mỹ trong khuôn khổ JCPOA sẽ chỉ thành hiện thực nếu Washington dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt chống Iran.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani từ chối cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump theo yêu cầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Rouhani cho rằng Washington cần dỡ bỏ mọi lệnh cấm nếu thực sự muốn đàm phán với Tehran.
Ông Araqchi lưu ý thêm rằng Iran đã chấp nhận lời mời của Pháp đến TP Biarritz, nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 với điều kiện "không có cuộc hội đàm hay cuộc họp nào, kể cả vô tình, với phái đoàn Mỹ".
Thứ trưởng ngoại giao Iran cũng cảnh báo rằng nếu châu Âu không tuân thủ đầy đủ các cam kết của họ theo thỏa thuận hạt nhân, Tehran sẽ thực hiện bước thứ ba để giảm bớt nghĩa vụ đối với JCPOA.
Kể từ tháng 5, Iran đã đình chỉ việc thực hiện một số cam kết của mình theo JCPOA. JCPOA là thỏa thuận ràng buộc giữa Iran và nhóm các quốc gia P5 + 1: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, và thêm Đức tại Vienna 2015.
Tehran đã hai lần không tuân thủ các cam kết hạt nhân được nêu trong các Điều 26 và 36 của thỏa thuận.
Iran cũng cho biết các biện pháp phản ứng của họ sẽ có thể được hủy bỏ ngay khi châu Âu tìm ra những cách thiết thực để bảo vệ nền kinh tế Iran khỏi các lệnh trừng phạt do Mỹ đơn phương áp đặt vào năm ngoái khi ông Trump rút khỏi JCPOA.
Các nước châu Âu cho đến nay đã không thực hiện được các cam kết của họ. Các nước này đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ thỏa thuận này nhưng lại không đưa ra sự hỗ trợ về kinh tế theo yêu cầu của thỏa thuận hạt nhân.
Châu Âu đã bỏ lỡ thời hạn 60 ngày để đưa ra hỗ trợ do Tehran đặt ra, buộc Iran phải thực hiện giai đoạn 2 trong việc cắt giảm các cam kết vào ngày 7-7.
Ở giai đoạn 1, Iran đã tăng lượng uranium đã làm giàu dự trữ của mình vượt quá mức 300 kg do JCPOA đặt ra. Trong giai đoạn 2, Tehran bắt đầu làm giàu uranium với tỉ lệ tinh khiết vượt quá giới hạn của JCPOA là 3,76%.
Iran đã cảnh báo họ có thể đẩy mạnh việc làm giàu uranium 20% và tiếp tục các hoạt động trước đó tại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak trong bước phản ứng thứ ba nếu các quốc gia liên quan không thực hiện đúng cam kết của mình.