Iran triệu tập đại sứ Anh, Na Uy phản ứng việc 2 nước này đưa tin thù địch về biểu tình ở Tehran

(PLO)- Iran đã triệu tập đại sứ Anh và Na Uy vì lý do can thiệp và đưa tin “thù địch” về tình trạng bất ổn ở Iran liên quan cái chết của một phụ nữ khi bị cảnh sát đạo đức nước này giam giữ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Ngoại giao Iran ngày 25-9 cho biết đã triệu tập đại sứ của Anh tại Iran để phản đối việc các phương tiện truyền thông tiếng Farsi có trụ sở tại London đưa tin “thù địch” về Iran, theo hãng tin AP.

Bộ cáo buộc các hãng thông tấn Anh đã kích động sự xáo trộn và lan truyền bạo loạn ở Iran.

Iran cho biết họ coi hành động của các cơ quan thông tấn là can thiệp vào công việc nội bộ của Iran và hành động chống lại chủ quyền của nước này.

Hãng thông tấn nhà nước IRNA đưa tin Bộ Ngoại giao Iran cũng đã triệu tập đại sứ của Na Uy tại Iran để phản đối mạnh mẽ việc chủ tịch quốc hội Na Uy - ông Masud Gharahkhani thể hiện sự ủng hộ các cuộc biểu tình ở Iran trên Twitter.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran - ông Hossein Amirabdollahian cũng chỉ trích sự ủng hộ của Mỹ đối với những người biểu tình mà Tehran gọi là “những kẻ bạo loạn”.

Người biểu tình đốt cháy xe cảnh sát Iran tại thủ đô Tehran (Iran) ngày 19-9. Ảnh: AP

Người biểu tình đốt cháy xe cảnh sát Iran tại thủ đô Tehran (Iran) ngày 19-9. Ảnh: AP

Các động thái này diễn ra trong bối cảnh bạo lực đang lan rộng ở Iran liên ưuab cái chết của một cô gái trẻ khi bị cảnh sát giam giữ.

Cô gái trẻ tên Mahsa Amini bị cảnh sát đạo đức ở thủ đô Tehran bắt giữ vào ngày 13-9 vì bị cáo buộc đội khăn trùm đầu Hồi giáo quá lỏng lẻo. Vài giờ sau khi bị bắt, cô hôn mê và phải đưa vào viện. Ngày 16-9, cô gái này qua đời.

Cảnh sát cho biết Amini chết vì đau tim và không bị ngược đãi, nhưng gia đình cô đã nghi ngờ về lý do này. Gia đình yêu cầu cảnh sát phải chịu trách nhiệm về cái chết của con gái mình.

Đài truyền hình nhà nước Iran cho biết ít nhất 41 người biểu tình và cảnh sát đã thiệt mạng kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 17-9.

Theo AP, hơn 1.200 người biểu tình bị bắt giữ.

Các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh vẫn tiếp tục nổ ra.

Ngày 25-9, các cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ cũng diễn ra trên khắp Iran.

Hàng nghìn người tụ tập để phản đối các cuộc biểu tình đang lan rộng ở nước này liên quan cái chết cô Amini. Người phát ngôn chính phủ Iran - ông Ali Bahadori Jahromi cũng tham gia vào cuộc biểu tình này.

Cái chết của cô Amini đã làm dấy lên sự lên án gay gắt từ phương Tây và Liên Hợp Quốc.

Ngày 25-9, các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố đã nổ ra bên ngoài đại sứ quán Iran ở London. Những người biểu tình ném đá vào cảnh sát làm một số sĩ quan cảnh sát bị thương nhưng không nghiêm trọng. 5 người biểu tình đã bị bắt.

Cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại đại sứ quán Iran ở Paris.

Cảnh sát Pháp ngày 25-9 cho biết họ đã phải sử dụng hơi cay và áp dụng các biện pháp chống bạo loạn để ngăn hàng trăm người biểu tình ở Paris tuần hành vào đại sứ quán của Tehran, theo hãng tin AFP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm