Trên thế giới, không ở đâu mà tính cục bộ lại công khai và mặc định như ở Việt Nam. Có khi địa phương này tẩy chay địa phương khác, bằng mặt chứ không bằng lòng, ngồi chung bàn mà tư duy đối nghịch. Tôi vốn gốc Nghệ An, có người chị họ yêu chàng trai Thanh Hóa. Gia đình người yêu quyết liệt phản đối, cấm cản vì “xấu Thanh hơn lành Nghệ”. Không chịu nổi áp lực, cả hai đành ngậm ngùi chia tay. Chưa ai thống kê nổi có bao nhiêu nghịch cảnh tương tự. Bao nhiêu nhân tài bị trù dập và loại bỏ vì nạn “con ông cháu cha”, vì họa “đồng hương, đồng khói?”.
Phải chăng đây mới chính là căn nguyên của bệnh “mạnh ai nấy làm”, thiếu hợp tác, thậm chí “quân ta hại quân mình” làm cho đất nước ngày càng tụt hậu? Con ông cháu cha và đồng hương đồng khói không có tội, thậm chí càng khuyến khích nếu biết làm đẹp truyền thống gia đình và chia ngọt sẻ bùi, giúp nhau trong cuộc sống. Càng thân quen càng phải gương mẫu. Tội nặng vì những kẻ lợi dụng để “thêm bè kết cánh”, củng cố quyền lực và tham nhũng nhóm.
Theo Thanh Niên, tác giả Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội:
‘Làm quan’ đâu phải nghề gia truyền
Có những nghề có thể cha truyền con nối theo kiểu gia truyền nhưng trong tuyển công chức, viên chức thì phải khác, phải quy định rõ ràng nhiệm vụ, chức năng và tiêu chuẩn. Đặc biệt là tuyển dụng phải minh bạch: Tiêu chuẩn thế nào? Bao nhiêu hồ sơ đăng ký? Hội đồng là ai? Chức năng nhiệm vụ là gì? Chính sách ưu đãi cán bộ cũng rất cần nhưng dù diện ưu đãi thì cũng nên minh bạch.
Với các đồng chí lãnh đạo thì nên gương mẫu, đừng làm khó cấp dưới vì các đồng chí gửi thì họ biết làm thế nào được? Các đồng chí được dân giao thì ở cấp nào cũng là của tất cả mọi người, không chỉ riêng gia đình nào. Nên làm tốt vị trí mà dân giao thì mới trong sạch, hiệu quả. Hiện tượng đó cử tri có nói với tôi đây đó đều có rồi. Tôi đề nghị tất cả địa phương và Bộ Nội vụ với chức năng được Chính phủ giao nhiệm vụ này cần rà soát thực chất xem hiện tượng này phổ biến đến đâu. Và đánh giá kết quả xem tốt hay xấu, gây ảnh hưởng thế nào. Từ đó, kiến nghị lại cho Chính phủ, thậm chí có thể đưa vào Luật Công chức, Viên chức. Nên luật hóa để các địa phương thực hiện, nếu có “khe hở” trong quy định thì cần xử lý ngay.
Theo Người Lao Động