Khả năng Ukraine đánh chặn tên lửa siêu thanh Kinzhal ra sao?

(PLO)- Với hệ thống phòng thủ hiện tại thì Ukraine khó đánh chặn tên lửa siêu thanh Kinzhal. Hiện Mỹ cũng đang chạy đua phát triển hệ thống phòng không chống tên lửa này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bản cập nhật hàng ngày về cuộc chiến Ukraine hôm 1-11, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga có thể đã vận chuyển tên lửa siêu thanh Kinzhal (phương Tây gọi là AS-24 Killjoy) đến Belarus, tờ The Telegraph cho hay.

Theo đó, Bộ Quốc phòng Anh đã chia sẻ một hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 18-10 cho thấy hai máy bay chiến đấu của Nga cùng với một thùng chứa được bảo vệ được chuyển đến sân bay Machulishchy, tỉnh Minsk, Belarus.

Các chuyên gia quân sự của Bộ này cho rằng hai máy bay đó là máy bay phản lực MiG-31K và thùng chứa đó chứa tên lửa siêu thanh Kinzhal. Theo The Telegraph, tên lửa Kinzhal là một trong những vũ khí đáng sợ nhất trong kho vũ khí của Nga.

Hiện tại, phía Nga và Belarus chưa đưa ra bình luận gì về thông tin từ Bộ Quốc phòng Anh.

Uy lực tên lửa Kinzhal

Kinzhal là tên lửa đạn đạo siêu thanh phóng từ trên không với tầm bắn hơn 2000 km khi phóng từ máy MiG-31K. RadaR khó có thể thể theo dõi chính xác tên lửa siêu thanh này vì ở tốc độ siêu âm, áp suất không khí phía trước tên lửa sẽ tạo thành một đám mây plasma hấp thụ sóng vô tuyến, theo trang The Eurasian Times.

Tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal trên tiêm kích đánh chặn MiG-31. Ảnh: WIKIPEDIA

Tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal trên tiêm kích đánh chặn MiG-31. Ảnh: WIKIPEDIA

Tên lửa nặng 2.000 kg với tốc độ Mach 10, tương đương 12.250 km/giờ, và có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Do có tốc độ va chạm cao, đầu đạn nặng 500 kg của tên lửa có sức hủy diệt tương đương với 4.000 kg thuốc nổ TNT. Đặc biệt, tên lửa này cũng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Với tốc độ siêu “khủng” này thì Kinzhal hơn hẳn các tên lửa bắn từ hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ gửi cho Ukraine và được cho là tên lửa uy lực bậc nhất của Ukraine ở chiến trường. Các tên lửa HIMARS bay tốc độ Mach 2,5, khoảng hơn 3.000 km/giờ.

Kinzhal thực chất là tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander được sửa đổi để phóng bằng máy bay tốc độ cao. Nó có thể tấn công các mục tiêu tĩnh và di động như tàu sân bay.

Khả năng đánh chặn Kinzhal ra sao?

Ông Iain Boyd - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến ​​An ninh Quốc gia tại Đại học Colorado (Mỹ), chia sẻ với tạp chí Newsweek rằng khả năng chỉ có 20% là hệ thống phòng không hiện tại của Ukraine bắn hạ được tên lửa siêu thanh này vì tốc độ của chúng quá lớn.

Ông Boyd phân tích rằng vì tên lửa di chuyển quá nhanh nên thời gian phản ứng của lực lượng Ukraine trong việc triển khai hệ thống phòng không sẽ phải cực kỳ gấp. Tên lửa Killjoy có thể phóng với vận tốc 3 km/giây còn các hệ thống tên lửa đất đối không S-300 mà Ukraine sử dụng có tốc độ tối đa chỉ bằng một nửa tốc độ của Kinzhal. Do đó, thời gian phản ứng để đánh chặn rất ngắn. Thêm nữa, hành trình bay của Kinzhal vượt ngoài tầm bắn của S-300 là từ 10 đến 100 km, nên rất khó đánh chặn từ xa.

Ông đánh giá là khả năng Ukraine dùng S-30 đánh chặn Kinzhail thành công khá thấp nhưng không phải là không chặn được tất cả.

Tiêm kích MiG-31 mang tên lửa siêu thanh Kinzhal. Ảnh: TASS

Tiêm kích MiG-31 mang tên lửa siêu thanh Kinzhal. Ảnh: TASS

Có một lựa chọn khác để Ukraine có thể đánh chặn Kinzhal đó là hệ thống phòng không tiên tiến NASAMS mà cuối tháng 10 Mỹ đã cam kết gửi Kiev 8 hệ thống. Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon Technologies - ông Greg Hayes, nói với đài CNBC rằng hệ thống phòng thủ này có thể "đánh sập mọi thứ trên bầu trời, từ máy bay không người lái đến tên lửa đạn đạo hay máy bay chiến đấu”.

Tuy nhiên, chuyên gia Boyd lưu ý rằng NASAMS, dù có tầm bắn xa hơn một chút, có triển vọng hơn trong việc đánh chặn nhưng Ukraine cũng sẽ phải vật lộn để chặn loại tên lửa này.

Ông cho biết thêm rằng quân đội Mỹ vẫn đang nghiên cứu công nghệ có thể đánh chặn tên lửa siêu thanh hiệu quả hơn. Theo ông, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa đang nghiên cứu các cảm biến trong không gian và các rada tầm xa hơn có thể giúp phát hiện các tên lửa siêu thanh chúng sớm hơn để quân đội có thời gian phản ứng. Tuy nhiên, những công nghệ này vẫn còn trong giai đoạn đầu phát triển.

Ông Boyd nói: "Thực sự, hiện tại chúng tôi không có bất cứ trang thiết bị nào có thể phòng thủ tốt trước những vũ khí này. Hầu hết các tên lửa siêu thanh, dù không phải là tất cả sẽ vượt qua được hệ thống phòng thủ hiện tại”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm