Ngày 9-12, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) tổ chức hội nghị Bàn tròn giữa Chính quyền thành phố và JCCH lần thứ 23.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và ông Ono Masua, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM chủ trì hội nghị.
Người Nhật phản ảnh tình trạng vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều
Theo đại diện ITPC, tháng 9 ban tổ chức đã tổng hợp được 16 nội dung kiến nghị liên quan đến bốn nhóm vấn đề: Môi trường -đời sống; Pháp luật- lao động; Thuế và hải quan.
Qua quá trình làm việc, các cơ quan chức năng thành phố với bốn phiên họp trù bị đã giải đáp 13/16 câu hỏi của JCCH, còn ba kiến nghị tiếp tục được các sở ngành thành phố phối hợp giải quyết.
Tại phiên họp chính thức với sự chủ trì của lãnh đạo thành phố, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản có thêm những kiến nghị liên quan đến đăng ký giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc khi tính thuế thu nhập cá nhân, vấn đề hoàn thuế VAT cho khách du lịch và DN Nhật Bản. Ngoài ra, cũng có các vấn đề khác như: đẩy nhanh việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu bất động sản trong khu công nghiệp (KCN)...
Ông Furusawa Yasuyuki, Trưởng ban Môi trường đời sống cho biết, có hai nhóm nội dung kiến nghị chính liên quan đến việc tổ chức vận hành Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cải thiện tình hình an ninh trật tự.
Đối với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đây là cửa ngõ đầu tiên đưa du khách đến với TP.HCM, đó cũng là nơi quyết định phần lớn tình cảm, ấn tượng đầu tiên của du khách. Nhưng đáng tiếc, so với Cảng hàng không quốc tế một số quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan... chất lượng nhà ga Tân Sơn Nhất cần cải thiện rất nhiều.
"Sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy sự quá tải khi các quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh luôn xếp hàng rồng rắn, du khách phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Đó là lý do chúng tôi tiếp tục nêu lại những vấn đề này dù đã trao đổi từ năm ngoái", ông Furusawa Yasuyuki đánh giá.
Cũng theo ông Furusawa Yasuyuki, như các năm trước, Hiệp hội vẫn nhận được rất nhiều phản ánh của hội viên về ý thức giao thông của người dân, trong đó nổi bật nhất vẫn là tình trạng vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều và chạy xe trên vỉa hè.
“Những điều này nhỏ nhưng cũng góp phần ảnh hưởng xấu đến bộ mặt thành phố nên mong cơ quan chức năng tiếp tục có biện pháp để nâng cao ý thức, thay đổi thói quen giao thông này” - ông Furusawa Yasuyuki đề nghị.
Đồng thời, ông Furusawa Yasuyuki cho biết, đối với cộng đồng DN Nhật Bản thì Việt Nam là một quốc gia vô cùng đáng sống, mức độ thỏa mãn của các chuyên gia làm việc tại Việt Nam thường cao hơn những quốc gia khác. Đây cũng là lý do nhiều DN Nhật sang đầu tư tại Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng, thành phố thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng này để cùng chung tay tháo gỡ từng vấn đề hiện hữu để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hấp dẫn hơn” - ông Furusawa Yasuyuki nói.
Sớm công bố đầy đủ thông về khu chế xuất Tân Thuận
Đại diện DN Nhật Bản cho biết, cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài khi xin giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi đã thỏa mãn một số điều kiện nhất định thì theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP vẫn phải đáp ứng tiêu chí nhu cầu kiểm tra kinh tế (ENT).
Theo điều khoản bảo lưu liên quan đến đầu tư dịch vụ của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thì Việt Nam sẽ bãi bỏ yêu cầu về nhu cầu kiểm tra kinh tế từ ngày 14-1-2024. Tuy nhiên đến tháng 8-2024, các nhà đầu tư Nhật Bản vốn là thành viên hiệp định CPTPP hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ khi thành lập cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi tại TP.HCM vẫn phải thực hiện yêu cầu này. Điều này là trái với hiệp định CPTPP và Luật Điều ước quốc tế 108.
Hiệp hội mong Sở Công thương TP.HCM sẽ tuân thủ theo hiệp định CPTPP và Luật Điều ước quốc tế 108 để bãi bỏ ENT đối với các nhà đầu tư Nhật Bản khi thành lập cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi trên địa bàn thành phố.
Trong khi đó, ông Nakagawa Motohisha, Phó Chủ tịch kiêm trưởng ban Môi trường Kinh doanh JCCH cho rằng, thời hạn cho thuê đất của Khu chế xuất Tân Thuận sẽ hết hạn vào năm 2041, vì vậy đây là thời điểm quan trọng để DN đưa ra những quyết định về định hướng phát triển tương lai. Cụ thể như kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng nhà xưởng, đầu tư mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất mới...
Vì vậy, mong cơ quan chức năng sẽ sớm công bố đầy đủ các thông tin liên quan đến khu chế xuất Tân Thuận sau khi hết thời hạn thuê đất, đặc biệt tiêu chí đánh giá DN công nghệ cao, tiêu chí để các DN hiện hữu có thể tiếp tục thuê.
TP.HCM thu hút đầu tư công nghệ cao vào các khu công nghiệp
Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP.HCM cho biết, theo đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” thành phố định hướng giữ lại tối đa diện tích đất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu để tiếp tục quy hoạch phát triển công nghiệp. Không chuyển diện tích đất công nghiệp thành đất ở đô thị.
Tuy nhiên, tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghệ cao.
Về tiêu chí, Ban Quản lý hiện đang tham mưu trình UBND TP.HCM các chính sách phục vụ cho việc chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp trong đó có tiêu chí công nghệ của DN trong khu chế xuất, khu công nghiệp.... Đồng thời, tham mưu tiêu chí thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đánh giá, quy hoạch chung của thành phố cũng khẳng định 17 khu công nghiệp hiện nay vẫn là khu công nghiệp nhưng chuyển đổi từ sản xuất công nghệ cũ trở thành sản xuất công nghệ cao...
Thậm chí thành phố bố trí 6.000 hecta để phát triển khu công nghiệp. Riêng khu công nghiệp Tân Thuận trước đây là vùng ven nhưng hiện tại giờ là lõi của trung tâm thành phố, là khu công nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao trong tương lai. Nếu các DN Nhật Bản nhanh chóng chuyển đổi công nghệ và quản trị phù hợp với định hướng của TP.HCM thì yên tâm đầu tư kinh doanh.
Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản
Theo ông Hoan, những kiến nghị của DN Nhật Bản là những đóng góp rất có ý nghĩa với thành phố trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư.
Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng DN, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, về môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch của DN.
Đồng thời, thành phố tiếp tục phối hợp với JCCH thực hiện các hoạt động xúc tiến nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản với trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới, quan tâm đầu tư vào thành phố trong những lĩnh vực định hướng ưu tiên.
Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển nhanh và bền vững, mang lại lợi ích cho các bên, cả nhà đầu tư và các đối tác, người dân Việt Nam.
Ông Ono Masua, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, thông qua hội nghị này, các vấn đề được đặt ra cho định hướng phát triển của TP.HCM trong trung và dài hạn, mối quan hệ hợp tác giữa các cấp của cả hai phía Nhật Bản và TP.HCM sẽ ngày càng sâu sắc hơn.
Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tiếp tục nỗ lực hết mình để hỗ trợ việc tăng cường đối thoại giữa DN Nhật Bản và các cơ quan chức năng của TP.HCM cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam, Nhật Bản và TP.HCM.
Hiện nay, Nhật Bản có 1.767 dự án đang hoạt động, chiếm 13% số dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP.HCM với tổng số vốn đầu tư hơn 5,8 tỉ USD.