Chiếc Airlander 10 được hoàn thiện và ra mắt vào ngày 21-3, hiện đang nằm lơ lửng trên mặt đất trong xưởng chứa máy bay Bedfordshire tại Anh quốc. Nguyên gốc của chiếc khinh khí cầu này là một sản phẩm do quân đội Mỹ phát triển dành cho mục đích quân sự.
Chiếc khinh khí cầu lớn nhất thế giới có chiều dài 92 m, dài hơn chiếc Boeing 747 tới 16 m. Thiết kế bên ngoài của nó bao gồm bốn động cơ phản lực chính, bốn đuôi máy bay và hai chân đế bên dưới để hạ cánh. Điều đáng chú ý là chiếc khinh khí cầu này cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng, vì vậy nó có thể đáp ứng được việc sử dụng đối với nhiều địa hình khác nhau như mặt đất, băng, sa mạc và thậm chí là… biển. Bên cạnh đó, với trữ lượng khí helium lên đến 38.000 m3, nó có thể duy trì bay trên bầu trời trong vòng năm ngày. Vận tốc tối đa của “con quái vật” này là 148 km/giờ, tải trọng hàng hóa lên đến 10 tấn và nó có thể đạt đến độ cao 6.100 m.
Ông Nick Allman, Giám đốc của dự án, cho biết: “Thiết kế này sẽ trở thành một cuộc cách mạng đối với ngành hàng không thế giới. Trong tương lai, những chiếc khinh khí cầu sẽ rẻ hơn, sạch hơn và chúng ta sẽ có thể đi đến những nơi mà trước đây bạn chưa hề nghĩ đến”.
Mặc dù vậy, nó sẽ được cho bay thử 200 giờ trước khi chính thức đưa vào sử dụng. Trong quá khứ đã có những sự cố đáng tiếc xảy ra đối với những chiếc khinh khí cầu khổng lồ. Năm 1937, chiếc Hindenburg của Đức đã phát nổ trong cuộc hành trình đến New Jersey làm 36 người thiệt mạng. Thảm họa đáng nhớ nhất là chiếc R101 của Anh, với kích thước gấp đôi Airlander 10, đã bị rơi vào tháng 10-1930, giết chết 48 hành khách trên chuyến đi. Vì vậy an toàn là yếu tố được ưu tiên hàng đầu trong ngành hàng không. Các nhà thiết kế hy vọng rằng Airlander 10 sẽ được cất cánh lên bầu trời nước Anh vào mùa hè năm nay.