Khi cảnh sát Bỉ bắt giữ Salah Abdeslam vào 18-3, họ đã ngăn cản thành công cuộc tấn công khủng bố tàn khốc nhất trong lịch sử. Việc Abdeslam bị bắt khiến mạng lưới khủng bố Brussels thay đổi kế hoạch của chúng, nhanh chóng tấn công các mục tiêu mềm tại sân bay và tàu điện ngầm.
Theo tờ Brussels La Dernière Heure tường thuật hôm 24-3, mạng lưới của Abdeslam đã nhắm mục tiêu đến các nhà máy điện hạt nhân của Bỉ. Đoạn phim do các điều tra viên thu được xác định hai kẻ đánh bom tự sát hôm 22-3 - Khalid và Ibrahim El Bakraoui - đã đặt camera ẩn trước nhà giám đốc chương trình nghiên cứu hạt nhân Bỉ.
Đoạn phim dài 10 giờ này đã bị tịch thu vào tháng 5-2015, trong một cuộc đột kích chống khủng bố tại các căn hộ của Mohammed Bakkali - đồng phạm của hai tên khủng bố trên.
Nếu phần tử Slah Abdeslam không bị bắt giữ kịp thời, có thể khủng bố đã đánh vào nhà máy hạt nhân của Bỉ (Ảnh minh họa)
Nhóm khủng bố này nhận dạng và theo dõi Giám đốc chương trình hạt nhân trong hàng tháng trời. Điều này gây ra một lỗ hổng an ninh cực lớn và dẫn đến sự hoài nghi về tính hiệu quả của các dịch vụ an ninh Bỉ.
Nhà máy hạt nhân Tihange, mục tiêu tiềm năng của kế hoạch khủng bố, đã được sơ tán sau các vụ đánh bom ở Brussels. Hiện tại, nhà máy đang dưới sự bảo vệ của quân đội quốc gia.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên khủng bố có ý định tấn công hạt nhân tại Bỉ. Năm 2003, cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Bỉ-Tunisia Nizar Trabelsi đã âm mưu tấn công căn cứ không quân Mỹ ở Flanders (Bỉ) nơi tên lửa hạt nhân được lưu trữ. Tuy nhiên, Trabelsi đã bị bắt giữ và dẫn độ về Mỹ.
Dựa trên thống kê theo đầu người, Bỉ có tỉ lệ người tham gia các nhóm thánh chiến cao nhất châu Âu. Theo số liệu nghiên cứu, Bỉ cung cấp 40 chiến binh thánh chiến trên mỗi triệu dân để chiến đấu ở Syria và Iraq. Cũng trong nghiên cứu này, Đan Mạch đứng vị trí thứ hai với 27 chiến binh thánh chiến trên 1 triệu người.