Các tài sản bảo đảm cho khoản nợ mà Vinaxuki đã vay gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, máy móc thiết bị tại nhà máy Vinaxuki Mê Linh; quyền khai thác mỏ quặng Antimon...
Giá khởi điểm được BIDV rao bán bằng gốc cộng lãi vay, tính đến hết ngày 15-9-2019 là hơn 1.265 tỉ đồng.
Sau nhiều năm theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô mang thương hiệu “made in Vietnam” nhưng không thành, ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Vinaxuki, từng chia sẻ rằng Vinaxuki đã chạy khắp nơi xin vay vốn mà không được, mặc dù công ty có đầy đủ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền máy móc công nghệ cao. Không chỉ vậy, công ty còn sản xuất được phụ tùng ô tô cốt lõi bằng công nghệ cao, nhất là sản xuất được các mẫu xe ưu tiên với mức nội địa hóa lên đến trên 40%-50% với giá rẻ hơn xe nhập ngoại rất nhiều.
Tuy nhiên, do không vay được vốn lưu động khiến các kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vinaxuki bị đổ vỡ, không trả được nợ. Hiện tại một số nhà máy của công ty đã tạm ngừng hoạt động, dự kiến công ty phải bán nhà máy để trả nợ.
Giám đốc Vinaxuki Bùi Văn Huyên chia sẻ: “Tôi đã làm ra được một xe tám chỗ, hai xe năm chỗ, đã chạy thử và định sản xuất nhưng lại bị ngân hàng cắt vốn lưu động không cho vay vốn”.
Ông cũng cho biết đã đổ không biết bao nhiêu tiền vào đam mê sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt. “Quan trọng tôi là người dân Việt Nam, tôi cần tiền làm xe thương hiệu Việt chứ không cần tiền để sống. Tôi vẫn theo đuổi giấc mơ ô tô Việt Nam. Tôi khẳng định người Việt hoàn toàn đủ tài năng và trí tuệ làm ô tô" - ông từng chia sẻ.
Một số chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân khiến Vinaxuki thất bại có thể là do “đi quá nhanh, quá sức” trong khi thị trường tiêu thụ ô tô Việt Nam còn nhỏ so với các nước trong khu vực và thế giới. Hơn nữa muốn sản xuất ô tô cạnh tranh được với các hãng ô tô hiện nay thì đầu ra phải đạt cả trăm ngàn xe mỗi năm vì chi phí đầu tư của ngành ô tô rất lớn.
“Các hãng ô tô nước ngoài đang có nhà máy đặt tại Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia sản xuất hàng trăm ngàn chiếc mỗi năm, vừa bán trong nước vừa xuất khẩu. Trong khi Vinaxuki nguồn vốn hạn chế, chưa làm xong xe đã cạn tiền, đổ nợ là chuyện bình thường” - một chuyên gia phân tích.