Hồi những năm 1990, tôi hay đến một tiệm làm tóc trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1. Tiệm là một gian phòng nhỏ khoảng 6 m2 cơi nới từ tường rào của một công sở, cao hơn vỉa hè đến gần 1 m nên có hai bậc thang gỗ gá tạm, khi nào mấy anh quản lý đô thị của phường đi ngang thì vội vàng kéo vào, nếu không thì bị phạt vì lấn chiếm vỉa hè! Hai ghế ngồi cắt tóc làm móng, một ghế nằm gội đầu, vài dụng cụ uốn tóc… Tất cả được xếp đặt gọn gàng, hợp lý trong không gian nhỏ xíu. Trên tường, một tấm gương lớn và mấy tấm ảnh các kiểu tóc của phụ nữ. Tiệm chỉ có cô chủ cũng là thợ chính và một cô thợ phụ. Cô chủ từ Long Khánh lên Sài Gòn vài năm, tính tình vui vẻ, làm tóc kỹ càng nên tiệm lúc nào cũng có khách là nhân viên các công sở xung quanh. Có bữa buổi trưa ghé ngồi chờ hết giờ nghỉ cũng chưa tới lượt vậy mà ai cũng vui vẻ nói “thôi mai chị ghé”, “chiều cuối giờ em ghé nha”.
Sau hơn 20 năm, bây giờ cô chủ đã có một tiệm lớn đàng hoàng ở mặt tiền một con đường gần đó, có dịch vụ massage, chăm sóc da mặt, thợ làm công có đến hơn chục người. Khách đến tiệm nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu xe hơi đưa đón và cả khách quen cũ vẫn xe máy “cà tàng”, tất nhiên giá cả không còn bình dân nữa nhưng ai cũng hài lòng vì chất lượng và thái độ thân tình vui vẻ.
Trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, bên cạnh quán cà phê có giàn bông giấy lớn che mát cả một khoảnh vỉa hè, trước đây có tiệm làm tóc của một chị tuổi trung niên nói giọng Bắc ngọt ngào. Tiệm có hai cháu gái miền Tây phụ việc nói năng rổn rảng thiệt thà, xưng hô với khách một điều thưa dì hai điều thưa cô, khách khó tính cũng phải mềm lòng. Chị chủ mướn nhà mở tiệm đã lâu, tuy ở mặt tiền con đường nhiều biệt thự nhưng giá cả bình dân nên nhiều khách vãng lai ghé lại rồi trở thành khách quen. Chị chủ truyền nghề cho hai người con: Cô con gái học nghề rồi lấy chồng và mở tiệm ở Gò Vấp, còn cậu con trai cắt tóc rất khéo dù tính thì tưng tưng như chị vẫn “than” với khách, có hứng thì cậu làm mà không thì bỏ đi bụi đời vài ngày có khi đến vài tháng! Có lúc cậu vướng vào ma túy phải đi cai nghiện, may sao cai được nhưng cái tật lang thang vẫn không bỏ. Ba năm trước chủ nhà đòi lại nhà để mở quán ăn (nhưng đã mấy lần thay đổi mà vẫn vắng teo). Chị phải chuyển về Gò Vấp mở tiệm tại nhà. Xa quá và trái đường nên tôi chưa ghé quán mới của chị lần nào nhưng tôi luôn tin chị ăn nên làm ra bởi sự khéo léo và chỉn chu của chị. Không biết cậu con trai đã chí thú làm ăn chưa hay vẫn bụi đời như trước?
Tính chất dịch vụ của đô thị Sài Gòn không chỉ là cửa tiệm sang trọng cho giới giàu có mà còn là tiệm nhỏ cho người bình dân. Tiệm nhỏ, thợ “có nghề” lại ngoan nên khách quen yên tâm “giao phó” mái tóc cho thợ, quen lạ gì thì khách cũng cho thợ thêm chút đỉnh ngoài tiền trả cho chủ. Người làm trong tiệm hầu hết là nhập cư từ miền Tây lên, miền Trung miền Bắc vào, líu ríu giọng địa phương nghe lạ riết thành quen. Làm ăn khá thì mướn tiệm đàng hoàng hơn chứ không để xập xệ; thợ học nghề rồi thành thợ phụ, may mắn thành thợ chính, nếu muốn thì mở tiệm riêng, khách có chia bớt chủ cũng chẳng phiền hà vì coi đó là chuyện giúp nhau bình thường.
Mỗi tiệm làm tóc bình dân như thế là một Sài Gòn thu nhỏ vì ở đó có những người “tứ xứ” nhưng chân tình giúp nhau trong mối quan hệ làm ăn đượm sự hào sảng của người Sài Gòn.