Lãnh đạo Kiên Giang chỉ đạo các sở ngành, địa phương lắng nghe, gỡ khó cho doanh nghiệp

(PLO)- Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khẳng định, Kiên Giang luôn xem doanh nghiệp là động lực phát triển và xem thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-3, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị họp mặt doanh nghiệp năm 2024 và khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.

Tại hội nghị, bà Phạm Thị Như Phượng, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang kiến nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, chia sẻ với doanh nghiệp và xuyên suốt từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở và đến từng cán bộ thực hiện.

Kiên Giang xem doanh nghiệp là động lực phát triển của tỉnh
Sản xuất giày da tại công ty cổ phần Thái Bình Kiên Giang. Ảnh: MINH TRUNG

Huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế hạ tầng, giao thông kết nối, nâng cấp mở rộng sân bay, cảng biển... để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp FDI, góp phần giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế của tỉnh...

Ông Nguyễn Duy An, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Kiên Giang, kiêm Giám đốc Nhà máy thực phẩm đóng hộp thực phẩm KTC thông tin, năm 2023, lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản của công ty vượt kế hoạch so với năm 2022 khoảng 20%.

Tuy nhiên, năm 2024, dự báo doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do cước phí vận chuyển xuất khẩu hàng hoá đi các khu vực Châu Âu cao, khách hàng khó tiếp cận mua hàng, giá cả.

“Khó khăn lớn của chúng tôi là nguồn nguyên liệu cá và thuỷ hải sản phải đảm bảo có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, nguồn lợi cá, tôm trên biển cũng cạn kiệt nên công ty gặp khó tiếp cận nguyên liệu. Chúng tôi mong muốn địa phương, ngư dân chấp hành khai thác đúng quy định, gỡ thẻ vàng để đảm bảo nguồn xuất xứ của thủy sản”, ông An nói.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn đề nghị các Sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để lắng nghe đề xuất, kiến nghị, qua đó giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc.

Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá; đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển thương mại - du lịch; đưa ra nhiều giải pháp thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm đầu tư vào tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân chủ động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò chủ động, đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 đã đề ra...

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2023 kinh tế tỉnh tiếp tục ổn định và phục hồi nhanh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 73.377 tỷ đồng, đạt 100,68% kế hoạch, tăng 6,79%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73,74 triệu đồng. Tổng thu ngân sách năm 2023 ước tính trên 15.120 tỷ đồng, đạt 124,17% dự toán, tăng 22,16% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 860 triệu USD.

Đến cuối năm 2023, Kiên Giang có 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 15.900 tỷ đồng, đứng thứ 3 về số lượng doanh nghiệp, đứng thứ 2 về số vốn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Lũy kế tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến ngày 15-3-2024 là 12.224 doanh nghiệp với tổng vốn là 209.280,9 tỷ đồng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm