Ngày 1-6, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong), Trung Quốc (TQ) đang xúc tiến thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (VN), và bảy đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của VN mà nước này đã sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép. Đáng chú ý là theo Bộ Quốc phòng TQ, việc thiết lập một vùng như vậy phụ thuộc vào các điều kiện an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng như quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng.
Áp đặt chủ quyền
Nếu điều này được thực hiện, rõ ràng đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của VN. Một tuyên bố như vậy của TQ, vốn ngang nhiên thể hiện yêu sách chủ quyền của nước này là trái với chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và do đó trái với luật pháp quốc tế.
Theo Bộ Quốc phòng TQ thì nước này “có quyền lập ADIZ ở biển Đông” và lớn tiếng cho rằng “nếu quân đội Mỹ tiếp tục thách thức chủ quyền của TQ ở biển Đông, Bắc Kinh sẽ có cơ hội tốt để tuyên bố lập ADIZ ở biển Đông”. Đây là một tuyên bố ngang ngược bởi lẽ về mặt pháp lý quốc tế, TQ không có quyền tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” lãnh thổ và không có cơ sở pháp lý quốc tế để chứng minh điều đó. Trong khi đó, VN luôn khẳng định một cách rõ ràng, nhất quán về chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này, căn cứ theo những nguyên tắc của luật quốc tế về chiếm hữu thực sự lãnh thổ. Điều đó có nghĩa bất kỳ việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không đều là bất hợp pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ VN. Chính vì vậy, việc thiết lập một vùng ADIZ vừa xâm phạm chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vừa không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Đây cũng là bước leo thang có tính toán của TQ trong việc khẳng định chủ quyền phi pháp của nước này tại khu vực biển Đông. Điều này cho thấy quan điểm và hành động của nước này là nhất quán và có tính toán cụ thể. TQ bất chấp yêu sách hợp pháp và quan điểm của VN về chủ quyền không thể chối cãi tại biển Đông, đồng thời phớt lờ các quyền hợp pháp của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về tự do hàng hải, hàng không. Qua đây TQ muốn chuyển tải thông điệp với thế giới rằng cộng đồng quốc tế sẽ phải chấp nhận yêu sách chủ quyền của nước này theo cách mà họ muốn.
Với tất cả điều trên, việc thiết lập ADIZ thực chất là một phần trong kế hoạch tổng thể của TQ nhằm kiểm soát biển Đông nhằm đến hai mục đích kinh tế và quân sự. Điều quan trọng nhất là tại biển Đông, việc áp đặt một vùng ADIZ như vậy chính là bước đi tiếp theo trong kế hoạch chung của nước này là hợp thức hóa, áp đặt chủ quyền trái phép của nước này tại đây. Đây cũng chính là một toan tính khác nhằm tiếp tục “thay đổi nguyên trạng (status quo) trong khu vực” theo như phản ứng của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel sau sự kiện thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông tháng 11-2013.
Các thực thể TQ bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa của VN có thể trở thành bàn đạp để nước này thiết lập ADIZ trên biển Đông. Ảnh: Zing.vn
Sẽ gây rối loạn tự do hàng không
Một hệ quả khác hết sức đáng chú ý là nếu việc thiết lập ADIZ của TQ được đưa ra nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do hàng không trên vùng trời biển Đông. Nói cách khác, nguy cơ về việc TQ chiếm quyền kiểm soát biển Đông, từ đó đe dọa an toàn và tự do hàng không trên vùng biển này đối với VN nói riêng và cả khu vực Đông Nam Á nói chung trở nên hiện thực và đáng báo động hơn bao giờ hết.
Do ADIZ được thiết lập một cách đơn phương, các quốc gia tuyên bố ADIZ sẽ đưa ra các yêu cầu bắt buộc với các phương tiện bay dân sự khi bay qua khu vực này. Chẳng hạn việc phải gửi trước kế hoạch bay; thiết lập sự nhận dạng hai chiều bằng việc lắp đặt các thiết bị nhận dạng radar thứ cấp;… phương tiện bay phải được nhận dạng, thông báo vị trí; thiết lập kiểm soát bằng cơ chế thông báo tại các điểm báo cáo bắt buộc. Quan trọng hơn là phải chịu những biện pháp chế tài như có thể bị buộc nhận dạng bởi các máy bay quân sự của nước tuyên bố ADIZ hoặc buộc phải rời khỏi khu vực và chịu những biện pháp chế tài khác do nước tuyên bố ADIZ đưa ra.
Mặt khác, việc hiện diện quân sự trên các đảo và thực thể bồi đắp trái phép tại biển Đông dẫn đến khả năng hoạt động hàng không bình thường tại khu vực này bị kiểm soát và cản trở bởi TQ. Đây là bước tiếp theo của ý đồ độc chiếm, kiểm soát vùng trời trên biển Đông mà vốn phải được đảm bảo tự do, an ninh tuyệt đối cho hoạt động hàng hải, hàng không. Sự kiện TQ yêu cầu máy bay của hãng hàng không Lào tháng 7-2015 trên biển Hoa Đông hoàn toàn có thể sẽ lặp lại tại vùng biển Đông, nơi mà các hoạt động hàng không dân dụng diễn ra khá nhộn nhịp.
Việc thiết lập vùng ADIZ như vậy đặt ra trong bối cảnh việc gia tăng hiện diện của Mỹ tại khu vực, đây là lý do không thể tốt hơn và nằm trong chuỗi các tính toán của TQ để tạo cơ sở cho việc đơn phương thiết lập vùng ADIZ. Điều này dẫn đến gia tăng nguy cơ đối đầu, gia tăng xung đột và những cuộc đụng độ cục bộ trong khu vực. Đồng thời, kéo khu vực biển Đông đi sâu hơn vào nguy cơ căng thẳng; tạo ra sự phức tạp, trầm trọng hơn cho việc giải quyết tranh chấp về các vấn đề liên quan. Do đó, xét về toàn cục, điều này là tác nhân nguy hiểm cho an ninh và ổn định trong khu vực. Đối với VN, đây là một vấn đề hết sức đáng quan ngại vì nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, đối đầu cục bộ ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN. Thậm chí, việc thiết lập vùng ADIZ theo mục đích mà TQ biện bạch là đối phó với các hành động phản ứng của Mỹ cũng có thể dẫn đến khả năng có sự mặc cả giữa các bên và sẽ là điều không có lợi cho VN.
Trước những vấn đề trên, VN có quyền và cương quyết yêu cầu TQ chấm dứt thực hiện kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không của nước này tại biển Đông, đồng thời cùng với các quốc gia khác có quyền lợi hàng hải, hàng không tại khu vực này cực lực lên án việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ trái phép của TQ.
Bản chất của vùng nhận dạng phòng không là gì? Vùng nhận dạng phòng không (tiếng Anh: Air Defense Identification Zone, viết tắt là ADIZ) có thể định nghĩa là một phạm vi vùng trời do một quốc gia tự ấn định và đòi hỏi mọi phương tiện bay dân sự đi qua vùng này phải nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với vùng trời lãnh thổ quốc gia (không phận) nhưng do những đòi hỏi của nó được coi như khu vực tồn tại song hành với khu vực an ninh quốc phòng. Một vùng nhận dạng phòng không như thế thực chất là sản phẩm của thời kỳ Chiến tranh lạnh và vẫn được duy trì cho đến hôm nay. Ngoài Mỹ thì Ấn Độ, Nhật Bản, Na Uy, Pakistan, Hàn Quốc, Anh, TQ và Đài Loan (TQ) thiết lập vùng nhận dạng phòng không này. Hiện nay không có một thỏa thuận quốc tế nào điều chỉnh vấn đề này, các quốc gia không bị cấm hoặc cho phép một cách rõ ràng về việc thiết lập một vùng như vậy. Do đó, các quốc gia thiết lập dựa vào những lập luận của riêng mình để bào chữa cho việc thiết lập chúng. Cần phải nhấn mạnh rằng các vùng ADIZ có thể bao gồm những khu vực những phạm vi nằm ngoài lãnh thổ vùng trời của các quốc gia (như có thể bao trùm lên vùng trời phía trên đặc quyền kinh tế), chúng không thể được dùng để bào chữa cho việc mở rộng lãnh thổ vùng trời. Tương tự nguyên tắc “đất thống trị biển” trong luật biển quốc tế, phạm vi vùng ADIZ phải có sự gắn kết logic với lãnh thổ của quốc gia tuyên bố. Điều đó có nghĩa một quốc gia không thể mặc nhiên tuyên bố một khu vực vùng trời quốc tế nào đó đặt dưới sự kiểm soát của mình nếu không có cơ sở chứng minh chủ quyền của mình đối với những vùng lãnh thổ bên dưới nó. Cũng chính vì lý do đó, những vùng ADIZ như vậy không thể được thiết lập trên những vùng lãnh thổ đang có tranh chấp vì sẽ tạo ra căng thẳng, xung đột về chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia liên quan. |