Lấy chồng “cục cưng”

Cuộc hôn nhân dở dang của chị Hà - một giảng viên đại học thường được nhiều người kể đi kể lại như một giai thoại…

Ngoài 30 vẫn là… con nít

Vợ chồng chị gặp nhau trong khi cả hai đã ngoài 30. Ngày đến nhà anh ra mắt, chị ngỡ ngàng trước cảnh “mẹ anh ấy lau mặt cho con trai và hôn anh chùn chụt” khi anh vừa về đến nhà, còn người yêu chị luôn miệng “lúc nào mẹ cũng đúng”... Ngờ rằng anh vẫn chưa trưởng thành, chị quyết định nghỉ phép một tuần để suy nghĩ. Và tình yêu đã thắng.

Khi chị về làm dâu cũng là lúc bắt đầu một cuộc chiến ngấm ngầm giữa hai phụ nữ vì… một người đàn ông. Mỗi tuần, mẹ chồng lên lịch cho chị được ngủ với chồng một lần. Những ngày còn lại, chồng chị phải ngủ với mẹ để bà… canh giấc ngủ cho anh.

Rồi bà bắt đầu soi mói chị đủ điều: “Con trai tui cao 1,7 m mà lấy vợ có một khúc, không biết cháu tui sau này thế nào” cứ như chiều cao của chị… bỗng dưng đi xuống sau ngày cưới. Những lời cạnh khóe tương tự của bà khiến nhiều lần chị rơi nước mắt.

Chồng chị tuyệt đối không bao giờ can thiệp vào những xích mích giữa mẹ và vợ vì với anh, đó chỉ là “chuyện đàn bà”. Suốt một năm chung sống, số lần vợ chồng họ gặp riêng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi lần như vậy họ luôn nơm nớp lo sợ như thể đang làm chuyện phi pháp. Mọi thứ trong nhà đều do bà quản lý, con trai bà là của riêng bà. Bà thường tuyên bố trước người thân, hàng xóm rằng con bà lấy vợ là việc của nó, còn bà thì vẫn giữ chủ trương một mẹ một con là “an toàn” nhất.

Lấy chồng “cục cưng” ảnh 1

Nhận ra mình chưa bao giờ chiếm vị trí quan trọng trong anh và mình chỉ là người thừa trong ngôi nhà đó, chị quyết định rút lui, trả lại tự do cho mẹ con họ.

“Cục cưng” của cả nhà

Chị Minh (tiểu thương chợ Tân Định) vẫn còn thấy rùng mình khi nhớ về những ngày đầu làm dâu trưởng. Anh Phước - chồng chị là con trai duy nhất trong một gia đình có đến bảy chị em gái. Làm dâu nhà anh, chị phải ở chung với đại gia đình chồng.

Giường ngủ vợ chồng chị được đặt ngay cạnh chân cầu thang cho cả nhà tiện bề “chăm sóc”. Tối tối mẹ chồng đi ra đi vào thăm dò. Nếu anh nằm trong thì bà bảo: “Nằm đó quạt sẽ không tới nơi mà nó lại chịu nóng không được…”. Anh nằm giữa vợ con thì bà than: “Không khí đâu cho nó thở, trời ơi!”. Anh nằm ngoài thì bà lo anh rơi xuống đất… Lúc nào bà cũng cho rằng vợ anh không lo cho anh được nên bà phải lo.

Dù chị Minh là người đảm đang, khéo léo nhưng bà vẫn luôn sợ con trai mình “ăn không đủ chất”. Món nào ngon bà cũng để dành cho “thằng Phước”, vợ con anh lỡ gắp vào liền bị bà chì chiết. Tiền lương anh đưa hết cho bà, mỗi ngày bà sẽ “phát” tiền chợ cho chị. Mỗi lần chị phàn nàn với chồng về chuyện “ngột ngạt” này, anh đều phẩy tay: “Mẹ già rồi, em chấp làm gì”.

Với anh, cuộc sống thật dễ chịu vì ngày nào đi làm về anh cũng được bao nhiêu phụ nữ chăm sóc tận răng. Anh mới hơi sổ mũi, mẹ đã vội mua lá về nấu nồi nước bắt anh ngồi xông giải cảm. Trong khi đó, chỉ cần thấy con dâu hắt hơi là bà bắt chị cách ly với anh ngay như thể chị là một ổ vi trùng. Nghĩ lại những ngày tháng đó, chị Minh vẫn thấy ngạc nhiên, không hiểu sao mình lại có thể vượt qua “chướng ngại” để giữ gìn hạnh phúc.

Cả tháng nay chị bận rộn suốt. Tôi hỏi thì chị bảo do con trai sắp lấy vợ nên chị phải lo chỗ ở cho chúng. Từng mất ăn mất ngủ vì mẹ chồng nên chị không muốn trở thành bản sao của bà.

Phân vân giữa ngã ba đường

Trót yêu một “công tử bột”, cô bác sĩ trẻ tên Oanh (BV 115) đang nhìn lại quyết định của mình. Chọn ngày ra mắt, hôm ra mắt phải mặc áo màu gì…, mọi chuyện từ lớn tới nhỏ cô đều phải làm theo những lời mẹ anh căn dặn.

Người yêu cô luôn thấy hài lòng với cuộc sống vì đã có người khác lo mọi chuyện để mình “đầu tư vào chuyên môn”. Cô phát hoảng khi thấy cái danh sách dài ngoằng bà đưa anh mỗi lần anh đi công tác một vài ngày. Tất cả những việc cần làm bà đều ghi và mở ngoặc giải thích cặn kẽ.

Vì yêu anh và muốn anh thấy cần cô hơn cần mẹ nên cô quyết định mở chiến dịch o bế anh.

Mới vào trận mấy tháng mà cô đã phờ phạc. Ngoài giờ trực bệnh viện, đi học thêm ngoại ngữ, cô còn gánh vác trọng trách “chăm người yêu”. Với “phương pháp” này, cô không biết có làm mẹ anh hài lòng và có giữ nổi anh không vì vừa làm người yêu vừa “làm chị” vừa “làm mẹ” của anh dường như là việc quá sức cô.

Lấy phải “cục cưng” là một gánh nặng mà phụ nữ khó lường hết. Thật ra không phải người đàn ông nào được bố mẹ cưng chiều cũng đều không hoàn thành trách nhiệm làm chồng. Thế nhưng để thay đổi “chàng” là cả một quá trình “chiến đấu” bền bỉ. Đừng nên tự biến mình thành người bảo bọc chồng thay mẹ chồng. Cũng đừng ra mặt chiến đấu công khai với mẹ chồng. Với đàn ông, mẹ luôn là người phụ nữ số 1. Mình đến sau, đừng cố “đổi ngôi” mà tình hình thêm phức tạp.

Khi có gia đình, mỗi người đàn ông phải học kỹ năng làm chồng, làm cha và tách dần khỏi vòng tay o bế của bố mẹ. Để chồng nhanh chấp nhận và hoàn thành vai trò mới, người vợ phải thỏa thuận và học “kỹ năng sống” trong hòa bình. Điều này đòi hỏi cả hai cùng kiên trì và nhẫn nại.

VÕ THỊ MINH HUỆ,chuyên gia tâm lý VP Tư vấn Tâm lý trẻ

HÀ AN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm