Theo tờ The New York Post ngày 22-2, các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc Trung Quốc mạnh tay đối phó với COVID-19 ở các khu vực của nước này đã cho thế giới có thêm thời gian chuẩn bị chống virus.
Tuy nhiên, các điểm nóng đã xuất hiện khắp toàn cầu khi bệnh nhân đầu tiên của mỗi nước bắt đầu phát tán COVID-19, tạo thành nhiều ổ dịch mới.
Theo đánh giá của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hồi đầu tháng 2, khi COVID-19 bắt đầu lây lan rộng hơn, việc theo dõi những người có liên hệ với người bệnh là vô ích và gần như bất khả thi.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt tại biên giới Iraq-Iran (ảnh chụp ngày 18-2). Ảnh: AFP
"Nếu chúng ta vẫn điều trị và cách ly mỗi trường hợp nghi nhiễm, các bệnh viện sẽ quá tải" - ông Lý nói. Đến nay, Singapore đã phát hiện năm ổ dịch, trong đó có hai nhà thờ.
"Một vài điểm nóng xuất hiện khắp thế giới là dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh đang tiếp tục tăng thêm và điều mà chúng ta sẽ gặp phải có lẽ là đại dịch" - chuyên gia virus học Ian Mackay thuộc ĐH Queensland (Úc) cảnh báo.
Trong khi đó, TS Amesh Adalja thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cảnh báo một khi những người đã nhiễm bệnh nhưng chưa biểu hiện triệu chứng bắt đầu lây lan, không thiết bị hay phương pháp nào có thể xác định và phòng ngừa được.
"Nếu đó là ca nhiễm bệnh, tất cả phương pháp ngăn chặn dịch bệnh sẽ không hiệu quả. Nó giống như pha trộn giữa cảm lạnh và cúm theo mùa và sẽ không được chú ý cho đến khi một ai đó bị bệnh thật sự nặng và biểu hiện ra bên ngoài" - ông Adalja khẳng định.
Hiện WHO khẳng định trường hợp xấu nhất chưa xuất hiện và cũng chưa đủ bằng chứng thuyết phục các quốc gia ngoài Trung Quốc cần nhiều biện pháp phòng chống khắc nghiệt hơn. Dù vậy, việc dịch bệnh bùng phát chỉ trong thời gian ngắn ở Iran và Hàn Quốc có thể báo hiệu đã sắp hết thời gian để ngăn chặn virus.