Sau khi HLV Hữu Thắng từ chức, VFF rối rắm như canh hẹ với những cuộc đánh phá nội bộ lẫn nhau. Họ hoảng hốt rồi đâm ra lo sợ cho mọi quyết định của mình mà không dám có chính kiến một cách sáng suốt nhằm cứu vãn sự xuống cấp của một nền bóng đá.
Tìm thầy để tránh tìm đúng nguyên nhân thất bại
Tại sao cứ loay hoay thăm dò dư luận hết thầy ngoại này đến thầy nội khác để làm gì trong khi bóng đá Việt Nam đi xuống không phải tất cả đều do lỗi của HLV?
Trong bản tổng kết của VFF và Hội đồng HLV Quốc gia thừa nhận HLV Hữu Thắng đang dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam đi đúng hướng, chọn cách chơi phù hợp với cầu thủ… Đội tuyển thua ở SEA Games 29 do thiếu kinh nghiệm, ít cọ xát các giải trong nước; cầu thủ đa số nhỏ, thiếu sức mạnh và kỹ thuật cơ bản (vai trò đào tạo ban đầu ở CLB).
Dĩ nhiên, VFF cũng chỉ ra sai lầm của HLV Hữu Thắng là chưa có “cú đấm thép” trong các trận đấu quyết định và sai lầm của cá nhân cầu thủ.
Nhắc lại một chút những kết luận của VFF để thấy rằng cái gốc của vấn đề dẫn đến sự thua cuộc không chỉ ở SEA Games mới đây không thuộc về HLV mà chính là sai lầm chung của cả nền bóng đá. Vì thế, việc VFF cứ loay hoay nghe ngóng dư luận rồi tung hỏa mù cách chọn thầy cho bóng đá Việt Nam với bảy tiêu chí nghe rất chặt chẽ nhưng rốt cuộc chẳng giải quyết gì cho sự phát triển.
Có người khen ông Gede giỏi nhưng cũng có người chê ông này thất nghiệp và được “lót đường” sang Việt Nam làm GĐKT. Vậy vai trò chính của ông là gì? Ảnh: QUANG THẮNG
Không xác định được bóng đá Việt Nam theo trường phái nào
VFF mời thầy ngoại, giao cho một cái nền tảng thiếu trước hụt sau và bắt săn vàng Đông Nam Á cứ sau mỗi kỳ thất bại là chia tay rồi tiếp tục tìm thầy mới. Biết bao đời thầy ngoại từ Á, Âu sang đến Nam Mỹ cuối cùng có ai xác định nổi bóng đá Việt Nam chơi theo trường phái nào là hợp lý nhất?
Tiếc là cái vòng luẩn quẩn và sợi dây kinh nghiệm ấy kéo dài hơn 20 năm cho đến thời điểm này vẫn tiếp tục không chịu gỡ.
Nghịch lý trong lúc VFF hì hụi chờ các ứng viên ngoại nộp đơn ứng tuyển vào chiếc ghế nóng HLV thì ngay bên cạnh có giám đốc kỹ thuật (GĐKT) người Đức Jurgen Gede không được VFF tạo cơ hội làm đúng chức năng và nhiệm vụ của mình.
GĐKT giống như một kiến trúc sư trưởng có phần việc xây dựng đường đi nước bước cho VFF kiến tạo, quy hoạch lại nền bóng đá phát triển đồng nhất từ các đội tuyển quốc gia xuống những lứa trẻ. Tuy nhiên, chuyên gia Gede hiện tại chỉ đơn thuần là theo chân đội U-19, U-16 đi chơi các giải quốc tế với nhiệm vụ cố vấn cho ban huấn luyện chứ không phải làm đúng việc của một GĐKT. Ông Gede không có vai trò gì ở các đội tuyển quốc gia cao hơn.
Thật nực cười U-22 Việt Nam tham dự SEA Games 29, VFF lại giao cho ông Gede đi thám thính các đối thủ ở bảng khác để gặp tại bán kết nhưng nghiệt nỗi thầy trò Hữu Thắng không qua nổi vòng bảng.
VFF đang chơi trò thả mồi bắt bóng với ông Gede và không chịu hiểu mình thiếu một đường lối đúng đắn cho định hướng phát triển cần bàn tay, khối óc của GĐKT mà không phải chọn HLV để phủi trách nhiệm.
Từ GĐKT Rainer Willfeld đến chuyên gia Jurgen Gede Chuyên gia người Đức đã gắn bó với VFF hơn một năm qua, trong bản hợp đồng có thời hạn hai năm. VFF không phải trả lương cho ông Gede do vị GĐKT nằm trong chương trình hợp tác với LĐBĐ Đức. Cũng có hiến kế cho VFF sau khi trống ghế HLV trưởng của Hữu Thắng để lại hãy đưa ông Gede ngồi vào nhưng rồi VFF lo ngại vi phạm thỏa thuận về nhiệm vụ của một GĐKT. Thời gian của Gede chủ yếu dành cho các lứa trẻ của HLV Hoàng Anh Tuấn trước kia và bây giờ là đồng hành với đội U-16 quốc gia của HLV Vũ Hồng Việt đang chơi vòng loại châu Á. Cách đây 15 năm, VFF cũng từng có một GĐKT người Đức tên là Rainer Willfeld nhưng suốt năm năm ăn ngủ với bóng đá Việt Nam, ông không được VFF tạo cơ hội công tác đúng nghĩa. Duy có HLV Calisto hồi năm 2002 từng rủ rê ông Rainer theo đội tuyển quốc gia như một cố vấn, do thám và phân tích chi tiết từng đối thủ. Lần đó thầy trò Calisto bất ngờ đoạt hạng 3 Tiger Cup (tiền thân AFF Cup) trong sự ngỡ ngàng của VFF chính nhờ một phần vào tài tháo vát của GĐKT Rainer suốt nhiều năm trời, họ không ngó ngàng gì. |