Với 453 ĐBQH tán thành, Quốc hội chiều 11-11 đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng giải trình một số ý kiến của ĐBQH.
Bù giá nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trên 15.700 tỉ
Báo cáo giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu: Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ thực hiện đúng các quy định của Nghị quyết 42/2021 đối với khoản bù giá bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, làm rõ căn cứ xây dựng dự toán khoản chi bù giá này.
Một số ý kiến nhất trí với phương án Chính phủ trình, bố trí dự toán cho Tập đoàn Dầu khí để thực hiện bù giá bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: Chính phủ trình và có thống kê số liệu phải bù giá đến hết 2023 khoảng 15.727 tỉ đồng và đề nghị bố trí dự toán năm 2023 khoảng 8.257 tỉ đồng.
Tuy nhiên Chính phủ chưa thuyết minh đầy đủ cơ sở tính toán khoản dự toán này, cũng chưa thuyết minh lý do chưa bố trí đủ dự toán theo số liệu Chính phủ tính toán, đặc biệt là chưa thuyết minh rõ việc xác định số tiền bù giá này đã đồng bộ với các cam kết khác theo đúng thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ theo yêu cầu của Nghị quyết 42.
Giám sát bước đầu của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho thấy tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh của Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện rất đáng lo ngại.
Chú thích của báo cáo giải trình cho hay: Lọc hóa dầu Nghi Sơn thua lỗ liên tục, âm vốn chủ sở hữu, phía Việt Nam thiếu quyền kiểm soát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong năm 2022 vừa qua trong khi Dự án đang được hưởng những ưu đãi lớn, nhất là về cơ chế bao tiêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến về Nghị quyết phân bổ ngân sách 2023 |
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ và KTNN tổ chức triển khai kiểm toán và thanh tra các nghĩa vụ thuế, chuyển giá, số vốn nhà nước đã đầu tư vào dự án… để đánh giá tổng thể thực trạng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của Dự án, trong đó bao gồm cả các nội dung về bao tiêu.
“Cho đến nay, các nội dung này vẫn chưa được triển khai và ngày 24-10-2022, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 85/2022 hướng dẫn về thanh toán bù giá cho cơ chế bao tiêu này”- ông Tùng trình bày.
Do đó, để bảo đảm về trình tự, thủ tục, căn cứ xây dựng dự toán khoản chi bù giá này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội giao Chính phủ rà soát, tính toán chính xác kinh phí bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo đúng quy định của Nghị quyết 42/2021 của Quốc hội, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Làm rõ căn cứ 32.000 tỉ hỗ trợ một số địa phương
Đáng chú, có một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc lại tỷ lệ điều tiết của địa phương một cách hợp lý, nâng mức được giữ lại để bảo đảm nguồn lực phát triển cho địa phương, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ việc sử dụng 32.000 tỉ hỗ trợ xử lý tỷ lệ điều tiết của một số địa phương.
Ông Hoàng Thanh Tùng báo cáo: Năm 2023 xác định lại tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối của NSTƯ cho NSĐP và áp dụng cho các giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 40/2021 của Quốc hội. Việc xác định lại tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho từng địa phương trên cơ sở dự toán thu NSNN và dự toán chi NSĐP năm 2023 và áp dụng trong thời kỳ ổn định ngân sách đến năm 2025.
Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách 2023. Ảnh: QH |
”Song do nhiều địa phương sau khi xác định lại tỷ lệ điều tiết để lại cho địa phương có sự sụt giảm lớn, hoặc một số địa phương mới chuyển từ trợ cấp cân đối vào nhóm điều tiết về NSTƯ cần được xem xét hỗ trợ, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong việc cân đối nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, ông Tùng trình bày.
Đó là lý do Chính phủ dự kiến bố trí 32.000 tỉ từ giai đoạn trước và năm 2022 để cân đối cho một số địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tăng thu cho NSTW.
Còn căn cứ Luật NSNN và khả năng cân đối NSNN năm 2023, Chính phủ đề xuất xem xét hỗ trợ các địa phương có tỷ lệ điều tiết không giảm lớn trên cơ sở mức đóng góp nguồn thu về NSTW và mức tăng chi hàng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2021 và dự toán năm 2022 để các địa phương này có thêm nguồn lực.
Đồng thời, đối với các địa phương mới chuyển từ trợ cấp cân đối vào nhóm điều tiết về NSTƯ như Thái Nguyên, Long An cũng cần được xem xét hỗ trợ. Đối với nhóm các địa phương có tỷ lệ điều tiết NSĐP tăng so với giai đoạn trước thì giữ nguyên tỷ lệ tính theo định mức.
Trong đó, TP HCM và Hà Nội được hỗ trợ thêm để giữ nguyên tỷ lệ điều tiết như năm 2022. Hà Nội tỷ lệ điều tiết là 32%, TP HCM là 21% nhưng NSTW hỗ trợ thêm 5% so với phương án tính theo dự toán thu, chi.
“Đây là hai thành phố trực thuộc trung ương đặc biệt của cả nước, cần tiếp tục hỗ trợ để tỷ lệ điều tiết năm 2023 tương đương với năm 2022 để hai địa phương tiếp tục có thêm nguồn lực phát triển KT-XH, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục tăng đóng góp thêm cho NSTW và tác động thúc đẩy phát triển của Vùng và cả nước”, ông Tùng cho hay.