Ngày 1-8, ông đã dẫn đầu đoàn trọng tài Thái Lan đến chùa thiêng Emerald để tuyên thệ và đọc lời thề danh dự điều hành giải một cách vô tư, trong sáng tại Thái-League.
Với một đất nước Phật giáo như Thái Lan thì chuyện đến chùa cầu nguyện tỏ lòng thành kính là điều bình thường vì các đội tuyển Thái Lan xưa nay vẫn làm thế. Tuy nhiên, với giới trọng tài Thái Lan thì đây là lần đầu họ cùng nhau đến đọc lời thề một cách thành kính tại ngôi chùa thiêng của người Thái. Cũng cần biết là thời gian qua trong giới trọng tài Thái Lan đã chịu nhiều tai tiếng trong đó có cả sự cố bị thanh toán bằng loạt vào một vua sân cỏ tiếng tăm.
Giải thích với báo giới Thái Lan, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Chinnasen nói: “Luật pháp, các biện pháp hỗ trợ, công cụ của nghiệp vụ điều tra đều khó có thể triệt tiêu được những tiếng “còi méo” thì phải dùng đến danh dự và đức tin. Với liệu pháp đức tin trước đấng thiêng liêng mà trọng tài vẫn vi phạm lòng thành của mình thì khó tồn tại… Ít ra là về nhân cách. Sự cắn rứt lương tâm bao giờ cũng là một thứ trừng phạt khủng khiếp nhất đối với một con người”.
Ở Thái Lan, dường như các cầu thủ được giáo dục đức tin tín ngưỡng và thanh niên Thái nói chung cũng như cầu thủ nói riêng đều trải qua ba năm tu hành ở các chùa. Cũng vì thế mà những ai tham gia Thai-League khi đến chùa cầu nguyện với lòng thành đều ý thức được việc làm của mình trước đấng tối cao.
TẤN PHƯỚC