Thủ tướng Ý Giuseppe Conte rạng sáng 8-3 (giờ địa phương) đã ký sắc lệnh phong tỏa toàn bộ vùng Lombardy cùng 14 tỉnh khác ở miền Bắc nước này, động thái mới nhất nhằm chống đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Khu vực bị phong tỏa có dân số lên đến gần 16 triệu người, được xem là điểm nóng bùng phát dịch ở đất nước hình chiếc ủng. Không chỉ Ý, nhiều nước châu Âu đang nóng lên vì dịch COVID-19.
Từ sự chủ quan của chính quyền
Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, ngay cả các quốc gia như Đức, Ý, Pháp, Anh hay Tây Ban Nha, công tác tuyên truyền về virus gây dịch COVID-19, các biện pháp phòng tránh cơ bản như đeo khẩu trang, vệ sinh cơ thể, tránh nơi đông người... dường như không hiệu quả. Thậm chí nhiều hoạt động lễ hội đông người ở châu Âu vẫn được phép diễn ra vào tháng 2, giai đoạn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo về dịch COVID-19 đang bùng phát tại Trung Quốc và một số quốc gia châu Á.
Khâu chuẩn bị vật tư y tế, thiết bị bảo hộ ở châu Âu cũng có nhiều thiếu sót. Nhiều độc giả của Pháp Luật TP.HCM đang học tập, làm việc tại Đức phản ánh các mặt hàng khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn tại đây rất khan hiếm. Khi dịch bùng phát, nhiều người cũng muốn mua nhưng các hiệu thuốc, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều gần như không có.
“Nhà tôi ở cạnh một cửa hiệu tiện lợi lớn mà không mua được một chiếc khẩu trang hay lọ nước rửa tay nào. Đi khắp các hiệu thuốc cũng không có, dù nơi tôi ở tình trạng dịch vẫn ở mức thấp” - một người Đức gốc Việt nói. Một số gia đình có đăng ký kinh doanh sẽ được mua với số lượng tối thiểu phục vụ cho các nhân viên trong công ty. Ngành chức năng ở Đức đã ra chỉ thị cấm xuất khẩu khẩu trang y tế cũng như các mặt hàng rửa tay, sát khuẩn nhưng vẫn khan hiếm.
Tương tự, tình trạng thiếu các thiết bị bảo hộ y tế cũng xảy ra tương tự tại Ý, Pháp và nhiều nước châu Âu. “Không thể tìm thấy một hộp khẩu trang nào còn lại ở các hiệu thuốc Tây nơi tôi đang ở, dù nơi này không phải là vùng tâm dịch” - một người Việt đang sống tại L’Aquila, một TP thuộc vùng Abruzzo của Ý, cho biết.
Báo chí quốc tế dẫn lời Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Czech Adam Vojtech nhận định tình trạng thiếu khẩu trang, thiết bị bảo hộ và chất khử trùng là vấn đề “thực sự gây lo ngại”. Ông kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đẩy nhanh quá trình mua sắm thiết bị, vật tư cần thiết, điều mà EC đã hứa sẽ làm từ cách đây hơn hai tuần.
Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối EU, tuần trước yêu cầu các nước thành viên cung cấp đánh giá về tác động của dịch tới chuỗi cung ứng mỗi tháng một lần. Bên cạnh đó, châu Âu cũng có thể đối mặt với tình trạng thiếu thuốc vì một lượng lớn dược phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
“Hoạt động sản xuất ở cả hai nước đều bị dịch bệnh làm ảnh hưởng (đến việc cung ứng thuốc - PV)”, Giám đốc Y tế công cộng của EC John Ryan cảnh báo hôm 5-3. Trên thực tế, nhiều quốc gia châu Âu đã rơi vào tình trạng thiếu thuốc trước cả khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là thuốc trợ hô hấp, theo báo cáo của Hiệp hội Dược phẩm EU (PGEU). Đáng chú ý, nhận định của quan chức này được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi một quan chức EU ở Brussels dương tính với COVID-19.
Một người đàn ông ở thủ đô Rome đeo khẩu trang phòng COVID-19 khi dịch này bùng phát tại Ý. Ảnh: AFP
Đến tâm lý thờ ơ của công chúng
Dịch COVID-19 lan nhanh có sự góp phần từ tâm lý thờ ơ, chủ quan của nhiều người dân châu Âu. Theo ghi nhận, tối 6-3, khi cả nước Ý phải chống chọi với dịch COVID-19 khi hàng ngàn ca nhiễm, hàng trăm ca tử vong thì trên một số tuyến phố ở TP Venice, địa phương nằm cạnh vùng tâm dịch Lombardy, vẫn có nhiều nhóm tụ tập đông người. “Mọi người vẫn thờ ơ lắm. Vẫn vô tư tụ tập mà không cần bảo hộ gì” - một độc giả đang học tập tại Venice tỏ ra bức xúc cho biết.
Nếu như ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, hầu hết người dân đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay sát khuẩn thì ở châu Âu rất hiếm người áp dụng các biện pháp này. “Người Đức chủ quan lắm. Họ quan niệm chỉ khi có bệnh mới đeo khẩu trang nên họ ra đường mùa dịch cứ như đi chơi” - anh LQK, chủ của một tờ báo tiếng Việt tại Đức, cho biết. Hãng tin AFP ghi nhận nhiều trường hợp người mang khẩu trang ra đường (để tự phòng ngừa bị lây bệnh) ở châu Âu thậm chí còn bị quấy rối và kỳ thị vì bị nghi đang nhiễm COVID-19.
Văn hóa giao tiếp cũng được xem là nguyên nhân lây nhiễm COVID-19 ở châu Âu. Hãng tin AP cho biết những nụ hôn xã giao, phần không thể thiếu trong văn hóa chào hỏi ở một số vùng của châu Âu, đang trở thành vấn đề khó xử trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Người đứng đầu Cục Bảo vệ dân sự Ý Angelo Borrelli thừa nhận: Truyền thống gần gũi khi chào hỏi trên đã có thể góp phần khiến Ý trở thành điểm nóng COVID-19 ở châu Âu với số ca tử vong cao thứ hai thế giới. “Chúng ta có một đời sống xã hội tập thể rất màu sắc và ưa thể hiện tình cảm. Chúng ta bắt tay, trao nhau những nụ hôn và những cái ôm. Tuy nhiên, có lẽ sẽ tốt hơn trong thời gian này nếu chúng ta không bắt tay, không đụng chạm quá nhiều và cố gắng ít thể hiện tình cảm hơn” - ông Borelli nói hôm 5-3.
Tại nước Pháp láng giềng, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran hôm 29-2 cũng khuyến cáo người dân hạn chế những “nụ hôn vào má khi chào hỏi”
(la bise), một phần trong văn hóa giao tiếp của nước này, cùng với việc hôn gió, hôn vào cằm hay cả việc bắt tay.
Tây Ban Nha, nước cũng có phong tục hôn má khi giao thiệp bình thường trong xã hội, lại chưa có khuyến cáo gì với người dân về việc này.
Trong khi đó tại Đức, quốc gia châu Âu có số ca nhiễm cao thứ tư thế giới, trẻ em lâu nay được dạy bắt tay người lớn và việc bắt tay có chặt hay không được dùng để đánh giá xem đứa trẻ được giáo dục như thế nào. Trong tình trạng dịch bệnh hiện nay, các chuyên gia y tế và bác sĩ đang cố gắng thuyết phục người dân từ bỏ các thói quen đụng chạm xã giao.
Dân số già khiến châu Âu khó chống dịch Tờ The Guardian dẫn nguồn nhiều chuyên gia y tế nhận định tình trạng dân số già tại châu Âu đặt ra thách thức lớn trong việc giảm số ca tử vong do COVID-19. Đơn cử, hơn 60% nạn nhân ở Ý đều trong độ tuổi 63-95 và mắc sẵn các bệnh nền. “Châu Âu là châu lục của người già. Người cao tuổi có tiền sử bệnh rất đông. Tôi nghĩ điều này giải thích tại sao chúng ta chứng kiến nhiều ca nhiễm COVID-19 nặng hơn những nơi khác. Ở đa số người lớn trẻ tuổi và trẻ em thì bệnh có triệu chứng nhẹ, ít vấn đề” - GS Massimo Galli thuộc BV Sacco (Ý) giải thích. Tình hình dịch thế giới tính đến hết 8-3 Báo South China Morning Post dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Trung Quốc cho biết tính đến 18 giờ 50 ngày 8-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch COVID-19 là 3.648 (tăng 51 ca so với trưa cùng ngày). Tổng số ca nhiễm là 105.804. Có 58.568 ca được chữa khỏi. Trung Quốc ghi nhận 80.695 ca nhiễm và 3.097 ca tử vong. |