Lý do mùa thấp điểm nhưng giá vé máy bay vẫn cao

(PLO)- Tần suất khai thác các hãng hàng không sụt giảm khiến giá vé máy bay mùa thấp điểm bất ngờ tăng cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông thường hai tháng 9 và 10 hằng năm là mùa thấp điểm của ngành hàng không, thế nhưng giá vé trên đường bay nội địa lại tăng cao khiến hành khách, các đại lý không khỏi bất ngờ.

Vé tăng giữa mùa thấp điểm

Chị Phương Oanh (TP.HCM) cho biết vì tính chất công việc, chị là hành khách thường di chuyển chặng Hà Nội - TP.HCM. Theo chị Oanh, từ tháng 9 đến tháng 10 là khoảng thời gian các hãng hàng không hạ giá vé do lượng khách đi lại ít, tuy nhiên năm nay chỉ có thời gian hè giá vé hạ nhiệt, còn giai đoạn thấp điểm thì vé lại tăng như lễ, Tết. Hiện vé khứ hồi chặng Hà Nội - TP.HCM lên tới 5-5,8 triệu đồng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết số lượng máy bay của các hãng giảm nhiều so với hồi đầu năm. “Trung tuần tháng 11-2023, Cục Hàng không mới có thống kê chính thức số máy bay các hãng đang khai thác” - vị này cho biết.

Tương tự, các đại lý vé cũng bất ngờ khi giá vé bị đẩy lên cao dù đang là mùa thấp điểm. Giá vé tăng mạnh trên đường bay Hà Nội - TP.HCM, bởi đây là trục bay chính, lượng khách đi lại tấp nập.

Anh Hoàng An, phụ trách đại lý vé tại TP.HCM, nhận định thời gian qua tần suất khai thác của các hãng trên đường bay nội địa và quốc tế đều sụt giảm sâu, thậm chí một số hãng cắt chuyến đường bay đi các tỉnh miền Trung và nhiều đường bay quốc tế.

Chị Hoàng Vi, phụ trách vé thuộc Công ty Du lịch TransViet, cho biết do ít hãng khai thác, tần suất khai thác giảm, một số đường bay chỉ còn hai hãng Vietnam Airlines và VietJet khai thác khiến giá vé tăng. Bên cạnh đó, một số đường bay đi Đài Loan, Thái Lan của một số hãng cắt giảm đột ngột khiến việc bán tour cho khách đoàn rất khó xử lý. “Đường bay đi Đài Loan, khách làm hộ chiếu quan hồng đi về theo lịch nhưng đùng một cái hãng thông báo giảm máy bay khiến các đại lý, công ty du lịch chật vật xử lý tour” - chị Hoàng Vi nói.

Tham khảo các kênh bán vé trực tuyến ngày 31-10 cho thấy hai ngày cuối tháng 10, giá vé hạ nhiệt nhưng vẫn mức cao. Cụ thể chặng bay TP.HCM - Hà Nội, có giá dao động 2-2,7 triệu đồng/lượt. Trong khi mùa thấp điểm với chặng bay đêm có giá 1,6-1,7 triệu đồng/lượt (nếu bay Vietnam Airlines) và 1-1,2 triệu đồng/lượt (nếu bay VietJet). Chặng Hà Nội - Phú Quốc có giá dao động 1,9-3,6 triệu đồng/lượt; chặng Hà Nội - Đà Lạt 1,9-2,8 triệu đồng/lượt.

Hiện đường bay từ Hà Nội đi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chỉ còn hai hãng Vietnam Airlines và VietJet khai thác. Cụ thể Hà Nội - Quy Nhơn giá vé 1,8-2 triệu đồng/lượt; Hà Nội - Buôn Ma Thuột giá vé 2,5-2,9 triệu đồng/lượt. Giá vé cao nhất là chặng Hà Nội - Côn Đảo với 3,7-4,7 triệu đồng/lượt.

P9-bai_phongdien_catgiam_duongbay_1h-thylan.jpg
Tần suất khai thác của các hãng hàng không thời gian qua sụt giảm khiến giá vé mùa thấp điểm lại tăng. Ảnh: P.ĐIỀN

Số lượng máy bay của các hãng sụt giảm

Trao đổi với PV, đại diện các hãng hàng không nhìn nhận giá vé máy bay mùa thấp điểm đang cao hơn mọi năm. Lý do là vì số lượng máy bay các hãng đang khai thác sụt giảm khiến việc cạnh tranh trên các đường bay giảm.

Cũng theo đại diện các hãng hàng không, dù vé máy bay tăng nhưng các hãng hàng không vẫn chưa thể có lãi do lãi suất cao, chênh lệch tỉ giá đồng USD, chi phí thuê máy bay, nhiên liệu tăng cao... Vì vậy, nếu chỉ đơn thuần bán vé thì chưa thể bù đắp chi phí. Bên cạnh đó, các đầu mối như sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị quá tải các dịp lễ, Tết khiến hàng không chưa thể phát huy hết công suất khai thác.

Đại diện một hãng hàng không khác cũng “bật mí” có nhiều yếu tố tác động đến giá vé máy bay nội địa tăng thời gian qua, đó là động cơ đến chu kỳ bảo dưỡng và một số hãng chưa thanh toán tiền thuê máy bay khiến bên cho thuê giữ máy bay. Hai yếu tố này làm giảm đội bay, do vậy các hãng tập trung duy trì đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM, cắt giảm đường bay đi các tỉnh ít hành khách.

Theo đại diện Bamboo Airways, hãng đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện, sâu rộng nhất. Đối với mạng bay nội địa, hãng này tiếp tục duy trì ổn định hoạt động khai thác các đường bay kết nối trung tâm lớn bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… và các đường bay du lịch kết nối Côn Đảo, Đà Lạt, Huế, Cam Ranh… Đối với đường bay quốc tế, hãng này sẽ tạm dừng khai thác mạng Hà Nội - London Gatwick; Hà Nội - Incheon; TP.HCM - Singapore/Sydney/Melbourne/Frankfurt, Hà Nội - Frankfurt; Hà Nội - Bangkok/Narita/Taipei.

Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Huế cho biết hiện sân bay đang khai thác theo lịch mùa đông, chuyến bay các hãng thời gian qua đến Phú Bài có sụt giảm. Từ đó, các đại lý dự báo cuối năm nay giá vé máy bay khó hạ nhiệt do các hãng khó bổ sung thêm máy bay trong thời gian ngắn.•

Các hãng hàng không khai thác bao nhiêu máy bay?

Ngày 26-10, với việc đón máy bay thế hệ mới tại sân bay Tân Sơn Nhất, VietJet công bố chiếc máy bay thứ 101 gia nhập đội bay của hãng. Như vậy, đội bay của VietJet tương đương Vietnam Airlines.

Theo dữ liệu từ trang Planesportters.net (chuyên cập nhật đội bay từ các quốc gia toàn cầu), cập nhật ngày 30-10, ghi nhận hiện đội bay Việt Nam gồm 228 máy bay.

Trong đó, Vietnam Airlines có 93 máy bay, đang khai thác 83 máy bay. VietJet có 84 máy bay, đang khai thác 77 máy bay. Bamboo Airways có 29 máy bay, đang khai thác 17 máy bay. Pacific Airlines có 11 máy bay, đang khai thác 9 máy bay. Vasco có 6 máy bay, đang khai thác 5 máy bay và Vietravel Airlines đang khai thác 3 máy bay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm