Tuần này, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ công bố báo cáo cho biết thế giới đang chứng kiến đợt tẩy trắng san hô toàn cầu. Theo trang tin The Conversation, đây là đợt tẩy trắng san hô toàn cầu lần thứ tư được công bố và là đợt tẩy trắng san hô lần thứ hai trong 10 năm qua.
Tẩy trắng san hô xảy ra khi san hô đẩy các loại tảo cộng sinh ra khỏi mô của san hô, khiến chúng chuyển sang màu trắng hoàn toàn. Việc đợt tẩy trắng san hô diễn ra trong thời điểm này báo hiệu hiện tượng tẩy trắng san hô có thể xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, trong bối cảnh nhiệt độ trong đại dương liên tục tăng.
Theo The Conversation, chu kỳ suy giảm và phục hồi là điều bình thường đối với các rạn san hô, nhưng thời gian phục hồi của các rạn san hô hiện nay đã ngắn hơn. Trong khi đó, hiện tượng sóng nhiệt đại dương diễn ra với chu kỳ nhanh hơn và ngày càng phổ biến hơn.
Nhiệt độ bề mặt biển toàn cầu vẫn trên mức trung bình. Vào thời điểm này, khi nam bán cầu chuẩn bị chuyển sang mùa đông, các đại dương nhiệt đới ở bắc bán cầu chuẩn bị bước vào mùa hè. Nhiệt độ sẽ bắt đầu tích tụ trong giai đoạn này. Các rạn san hô có nhiều khả năng phải chịu áp lực nhiệt sớm hơn so với những năm trước.
Chuyện gì đã xảy ra?
Hiện tượng tẩy trắng vẫn là điều ít khi xảy ra với các rạn san hô. Sự kiện tẩy trắng san hô toàn cầu xảy ra đầu tiên vào năm 1998. Theo đó, hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu được xác định khi tình trạng tẩy trắng san hô xảy ra đáng kể ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu hiện tại đang được coi là một trong những đợt tẩy trắng nghiêm trọng nhất. Hiện tượng này bắt đầu khi sức nóng gay gắt tích tụ vào mùa hè ở bắc bán cầu trong năm 2023. Sau đó, hiện tượng này tiếp tục xảy ra trong thời gian mùa hè ở nam bán cầu, kéo dài từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024.
Tại rạn san hô Great Barrier (nam bán cầu) – rạn san hô lớn nhất thế giới, nhiều khu vực phải chịu mức nhiệt kỷ lục trong mùa hè (tháng 12 đến tháng 3). Đây được coi là một trong những sự kiện tẩy trắng hàng loạt nghiêm trọng và quy mô lớn nhất được ghi nhận trên rạn san hô Great Barrier.
Tại sao các rạn san hô lại quan trọng?
Các rạn san hô rất quan trọng đối với sự sống đại dương. Chúng cũng cung cấp thực phẩm, thu nhập và bảo vệ vùng ven biển khỏi bão lũ cho khoảng 500 triệu người. Chúng bao phủ ít hơn 1% đáy biển nhưng là nguồn hỗ trợ cho hơn 25% các loài sinh vật biển.
Giống như các vùng cực, các rạn san hô đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Sự gia tăng khí nhà kính cũng đang làm nóng các đại dương.
Các rạn san hô có thể phục hồi sau sự kiện này?
Đợt tẩy trắng san hô toàn cầu hiện nay này vẫn đang diễn ra. Do đó, các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ tác động của hiện tượng này.
Một số quần thể san hô có thể phục hồi, trong khi những quần thể khác không chịu nổi, dù sau khi nhiệt độ đại dương giảm bớt. Sự khác biệt này phụ thuộc vào khu vực rạn san hô tọa lạc và chủng loại san hô.
Dù không chết nhưng san hô vẫn bị suy yếu do hiện tượng tẩy trắng. Những san hô sống sót cũng dễ mắc bệnh hơn. Tẩy trắng cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản của san hô.
Dữ liệu của Mạng lưới Giám sát Rạn san hô toàn cầu cho thấy số lượng san hô trên các rạn san hô có xu hướng giảm từ năm 2009 đến năm 2018. Sự suy giảm này xảy ra do tác động của hiện tượng tẩy trắng san hô, ô nhiễm, tàn phá ven biển và đánh bắt quá mức.
Cơ hội để tìm hiểu thêm về việc cứu các rạn san hô
Theo The Conversation, giám sát các rạn san hô trên thế giới là một thách thức. Tổng diện tích toàn cầu của các rạn san hô nước nông ước tính là 249.713 km vuông. Nhiều rạn san hô nằm ở những địa điểm hẻo lánh.
Hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt cũng giúp các nhà nghiên cứu tìm ra giải pháp để bảo vệ các rạn san hô. Ở Úc và nhiều nơi trên thế giới, các nhà khoa học đang nghiên cứu loại san hô nào có khả năng chịu nhiệt tốt nhất, liệu san hô có thích nghi với các đợt sóng nhiệt đại dương hay không và tại sao các loại san hô phục hồi khác nhau.
Từ những hiểu biết này, các nhà khoa học có thể đề ra biện pháp bảo vệ san hô phù hợp với từng địa phương.
Chúng ta có thể làm gì?
Việc thực hiện các biện pháp bảo vệ san hô ước tính rất tốn kém. Do đó, chúng ta cần sự hợp tác toàn cầu giúp tìm ra các giải pháp tiết kiệm chi phí hơn, nhằm cải thiện khả năng phục hồi của rạn san hô.
Việc giải quyết các yếu tố địa phương như xây dựng ven biển, đánh bắt quá mức cũng rất quan trọng trong quá trình bảo vệ các rạn san hô. Nhưng trên hết, chúng ta cần hành động khẩn cấp nhằm giảm khí thải nhà kính, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với sức khỏe đại dương.