Theo TS Cương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định mọi văn bản do các cơ quan trung ương ban hành đều phải đăng tải công khai 60 ngày để tham vấn công chúng và lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, tuy nhiên thực tế việc này còn rất hình thức.
TS Cương cho rằng vai trò của pháp luật không chỉ là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội mà còn là công cụ để nhân dân quản lý và kiểm soát Nhà nước. Vì vậy ý dân phải là gốc của pháp luật. Vì vậy “trong quá trình hình thành nên pháp luật, phải làm sao để mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đều có quyền tiếp cận bình đẳng trong việc đóng góp ý chí, bày tỏ nguyện vọng của mình” - ông Cương nói.
Ông Cương cho biết điểm nổi bật của dự luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (mới) quy định rõ tham gia góp ý là quyền của công dân. Trong đó, người dân có quyền góp ý kiến và đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn Mặt trận Tổ quốc tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội và giám sát việc xây dựng, ban hành và thi hành chính sách.
T.HẰNG