Đó là Lương Ngọc Định (Thanh Hóa), ông trùm cầm đầu đường dây "chế tạo" bằng giả: kỹ sư, cử nhân, chứng chỉ nghề… vừa bị Đội Phòng, chống trộm cắp, lừa đảo (Đội 4, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) triệt phá.
Lương Ngọc Định cùng một số hình ảnh tang vật.
Hơn 10.000 phôi bằng, chứng chỉ các loại được kịp thời phát hiện trước khi chúng được hoàn thiện trao đến tay những “thượng đế” không học nhưng vẫn muốn có bằng.
Ba tháng ròng rã đeo bám triệt phá đường dây này là những ký ức trinh sát Đội 4 không thể nào quên.
“Đánh rắn phải đánh dập đầu”
Những bằng cấp giả làm y như thật. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
“Từ đầu tháng 3, qua nguồn tin bí mật, trinh sát phát hiện một đường dây sản xuất giấy tờ giả quy mô lớn: bằng cử nhân, tiếng Anh, chứng chỉ nghề… từ Bắc vào Nam, trường nào cũng có. Nhưng kẻ cầm đầu đường dây này không bao giờ lộ mặt, giao dịch chủ yếu qua điện thoại. Đánh rắn phải đánh dập đầu, phải bắt được kẻ cầm đầu cùng toàn bộ tang vật tại nơi sản xuất mới xử lý nghiêm được”, trinh sát kể chuyện.
Tư liệu điều tra khiến nhiều người té ngửa, bởi kẻ chế tạo, cung cấp bằng cho hàng ngàn người khắp cả nước, đặc biệt là địa bàn TP.HCM mới chỉ học hết... lớp 7, quá khứ vào tù ra tội và nghiện nặng. Người này có một biệt tài là giả chữ ký rất giỏi. Cũng chính những năm tháng “ăn cơm tù, mặc áo số”, Định móc nối đàn anh học nghề. Nên ra tù, Định không đi trộm cắp nữa, thay vào đó là làm giấy tờ giả.
Lò sản xuất giấy tờ giả này được ngụy trang dưới một vỏ bọc khá hoàn hảo. Nhìn đại lý bán vé máy bay khang trang trên đường Dương Công Khi (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) ít ai ngờ lại là cả một đường dây sản xuất bằng cấp giả đang đêm ngày hoạt động.
Căn nhà này Định và dàn chân rết mới thuê trọ, là căn nhà khép kín, hai lớp cửa vững chắc, có người cảnh giới liên tục. Người lạ không thể vào. Định không bao giờ ra mặt. Việc trao chứng chỉ, bằng cấp tới tận tay người dùng qua rất nhiều tầng nấc trung gian. Nhóm người này thường thuê người đi giao hàng, tìm mọi cách cắt đuôi khi nghi ngờ có người đeo bám. Việc xác định đây là nơi sản xuất mất khá nhiều thời gian.
Dắt cả… họ hàng, làng xóm đi làm bằng giả
Dàn chân rết của Định đa phần là người Thanh Hóa. Theo điều tra, chi phí để sản xuất một bộ hồ sơ chứng chỉ hoàn chỉnh chỉ mất khoảng 200.000 nhưng bán ra thị trường với lợi nhuận khủng, cụ thể: chứng chỉ nghề: 3,5 triệu đồng, bằng đại học, cao đẳng giá 4 triệu đến 4,5 triệu đồng, khiến số người theo Định… học nghề ngày càng đông.
Định và một số đồng bọn tại cơ quan điều tra.
Thấy làm ăn được nên Định rủ cả người thân, họ hàng, bạn bè vào làm. Định bao nuôi ma túy, tiền ăn cho gần chục con người mỗi ngày, trả công hậu hĩnh. Một ngày “tằng tằng”, xưởng sản xuất từ 10-20 bộ hồ sơ. Một thành phẩm hoàn chỉnh thường gồm: bảng điểm kết quả học tập, bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng tùy nhu cầu “thượng đế” và bản sao y.
“Nếu chỉ nhìn thực sự rất khó phân biệt đâu là bằng thật, đâu là bằng giả. Đối tượng sản xuất bằng giả có tội, luật pháp sẽ xử lý nhưng người không học mua bằng giả đối phó cũng là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Không trình độ, không nghiệp vụ sao có thể hành nghề. Bao nhiêu câu chuyện thương tâm: trẻ em tại cơ sở chăm sóc bị bạo hành là những câu chuyện đau lòng. Bác sĩ, dược sĩ…. không có tay nghề, học tập thực sự mà hành nghề rất nguy hiểm, nó liên quan đến tính mạng con người”, trinh sát trăn trở.
Khi đã củng cố đầy đủ hồ sơ, Đội Phòng, chống trộm cắp, lừa đảo (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) quyết định cất lưới. Thiếu tá Nguyễn Văn Bình, Phó đội trưởng trực tiếp cùng anh em đánh án. Rất nhiều tình huống được đặt ra để làm sao chắc chắn 100% phải bắt được, không để chúng kịp tiêu hủy chứng cứ.
Ngày 26-5, một đàn em thân tín của Định bị trinh sát tóm gọn. Mắt xích đầu tiên bị đập vỡ. Thời điểm này Định và dàn chân rết đang mê mải đập đá nên không hề hay biết.
Sáng 27-5, cả chục trinh sát tập kích ập vào bắt giữ Định cùng đồng bọn tại ngôi nhà trên. Cuộc vây bắt bất ngờ lúc sáng sớm khiến nhóm người này không kịp trở tay.
Tang vật cơ quan công an thu giữ gồm nhiều máy móc để sản xuất giấy tờ giả: máy in, máy dập, khoảng 1.600 mộc tròn, năm dập số thứ tự, hơn 10.000 phôi bằng, chứng chỉ các loại…
“Cá nhân tôi nghĩ nên chăng có số chứng minh thư nhân dân, số căn cước mới như bằng cấp nước ngoài để dễ xác minh người sử dụng đồng thời dễ hơn cho đơn vị tuyển dụng”, trinh sát chia sẻ.