Một cường quốc đúng nghĩa phải có chính nghĩa

Trung Quốc (TQ) đang ra sức bưng bít, che lấp và xuyên tạc cho những hành vi sai trái của họ trên biển Đông, bao gồm cả những thông tin về lịch sử, luật pháp quốc tế và sự thật đang diễn ở khu vực giàn khoan trái phép Hải Dương 981 đối với người dân TQ (“TQ bẻ cong sự thật về biển Đông”, Pháp Luật TP.HCM, ngày 16-6). Nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận rằng TQ đang sử dụng “bức màn” chủ nghĩa dân tộc để huy động sự đồng thuận chính trị nhằm phục vụ mưu đồ chiếm Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và dài hạn hơn là hiện thực hóa “đường chín đoạn” phi pháp, nuốt gọn “chuỗi ngọc trai” ở châu Á-Thái Bình Dương. Điều này không chỉ dẫn đến những nguy cơ hiểm họa đối với các nước có xung đột lợi ích với TQ trên biển Đông mà ngay chính TQ cũng sẽ nhận lấy nguy hiểm từ cách thức này của mình nếu để mọi cái vượt giới hạn.

“Nước Đức trên hết” đến “TQ trên hết”

Nhà nghiên cứu Samuel Chi (biên tập viên trang Real Clear World - Mỹ) đã chỉ ra rằng trong hai thập niên qua, TQ đã cố vận dụng chủ nghĩa dân tộc nhằm lấp liếm tính chính đáng đầy nghi vấn (dubious legitimacy) của quốc gia này. Bằng cách biến mọi sai phạm của TQ thành một sự xúc phạm do người nước ngoài gây ra, TQ đã và đang tạo nên một cảm thức “TQ là trên hết” (China Uber Alles). Trong quá khứ đã từng có “nước Đức là trên hết” và điều đó đã gây ra những hiểm họa to lớn cho thế giới này. Nó đã bị vùi sâu vào dĩ vãng.

Trước tình trạng TQ đang cố sức áp đặt “đường lưỡi bò” lên biển Đông, giới quan sát đã nhận định rằng nếu chủ nghĩa dân tộc bị lợi dụng nhằm cổ động lòng người thì chẳng mấy chốc sẽ dẫn đến những hệ quả rất khó lường.

Giàn khoan trái phép Hải Dương 981 của Trung Quốc ngang nhiên đặt trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bá quyền núp dưới cái vỏ “hòa bình”

Bằng chứng là mục tiêu “trỗi dậy hòa bình” mà TQ tuyên bố nay dường như chỉ còn là cái vỏ khẩu hiệu trước dư luận quốc tế. Đó là chưa kể chính sách bá quyền nước này bắt đầu gặp sự phản ứng mạnh mẽ, cụ thể, quyết liệt từ các bên liên quan như Nhật, Philippines, Việt Nam. Các bên như Mỹ, ASEAN, thậm chí là EU hay nhiều nước khối G7 cũng đã bày tỏ sự quan ngại trước hành xử của TQ ở biển Đông.

Trong đời sống văn hóa, kinh tế thì người TQ cũng đang vấp phải những khó khăn khi nhiều nơi trên thế giới xuất hiện dấu hiệu quay lưng lại với TQ, như phong trào không dùng hàng TQ tại châu Âu và nhiều quốc gia châu Á; chủ trương đề phòng các nhà thầu TQ, thương lái TQ. Ở một thế giới phẳng, việc này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Nhập nhằng giữa “yêu nước” và “phát triển”

Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chủ nghĩa dân tộc “quá liều lượng” còn dẫn đến hiện tượng tự “bài trừ thế giới” vì không nhận thức được “đâu là yêu nước” còn “đâu là phát triển”. Việc TQ lúc nào cũng khiến người dân nước này phải tin rằng họ đang bị các nước láng giềng chống đối, truyền thông phương Tây xỉa xói… sẽ khiến người dân có cái nhìn sai lệch về thế giới. Điều này dẫn tới một hệ quả tai hại là hễ có một lời dè bỉu nhỏ nhoi nhất về đơn vị của họ hoặc bất kỳ một lời có hàm ý ca tụng một đơn vị đối thủ nào cũng khiến người TQ khó chịu và chỉ có thể giải tỏa bằng cách đốp chát lại ngay. Trong khi cuộc sống vốn là phản biện, chia sẻ và cùng phát triển.

Và một khả năng mà nhiều người đã nhìn thấy là khi chủ nghĩa dân tộc bị đẩy vượt giới hạn thì khả năng kiểm soát sức mạnh của TQ ngày càng khó. Vì khi tất cả đã được “lập trình” theo một hướng sai trái, đến một mức nào đó thì nó sẽ không thể “quay đầu lại” và bắt anh phải phụng sự cho chính những gì mà anh đã tạo ra. Tất nhiên luật pháp quốc tế và công lý không thể cho phép bất kỳ một quốc gia nào dùng sức mạnh để áp đặt sự sai trái, phi pháp của riêng mình đối với một quốc gia có chủ quyền và các giá trị văn minh mà thế giới này đã xây dựng.

TQ cũng không nên quên rằng điểm mấu chốt khi một quốc gia muốn trở thành cường quốc đúng nghĩa thì cần phải có hình thái ý thức mang tính chính nghĩa, tôn trọng luật chơi chung cũng như các nền tảng giá trị của nhân loại, trong đó có giá trị công lý quốc tế.

Tổng thống Mỹ Obama mới phát biểu gần đây tại Trường Quân sự West Point: “Mỹ sẽ mạnh hơn nếu chúng ta biết tôn trọng luật chơi chung”. TQ với khẩu hiệu “trỗi dậy hòa bình” cần phải suy nghĩ một cách thấu đáo và hành xử sao cho phù hợp với xu hướng chung đó. Nếu không thế giới tự khắc sẽ quay lưng lại với anh.

ĐỖ THIỆN

Xuyên tạc để che đậy cho sự sai trái

Từ xưa, TQ đã dùng chiến thuật bưng bít với người dân của họ về tình hình từ bên ngoài, nay họ vẫn cố tình thực hiện điều này nhưng bây giờ khó lòng che đậy hết mọi chuyện họ đã gây ra cho Việt Nam và các nước khác. Bởi khó che đậy thông tin nên họ chuyển sang xuyên tạc, kích động dân tộc, thậm chí đưa vào sách giáo khoa để thể hiện tư tưởng bành trướng của “nước lớn”. Vì điều này đã được thực hiện có lớp có lang nên để nhân dân TQ hiểu sự sai trái của nhà cầm quyền là điều không đơn giản. Chúng ta phải kiên trì lên án, tuyên truyền, thông tin lâu dài.

Chúng ta phải làm cho thế giới nhận diện ra luận điệu xuyên tạc và lấn tới của TQ để cùng chung tay đấu tranh với chủ nghĩa bành trướng đó thì mới đủ để làm lay chuyển nhân dân TQ, làm họ hiểu ra sự thật và ủng hộ. Để làm được điều này, trước hết các nước ASEAN cần đi tiên phong, xích lại gần nhau trong mặt trận này vì ảnh hưởng trực tiếp trước “hiểm họa” TQ. Thực tế mỗi nước theo đuổi mỗi lợi ích khác nhau nhưng trước “hiểm họa” TQ cần phải cảnh tỉnh, đoàn kết để chống lại sự bá quyền của họ.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh
Bộ đội Trường Sơn

P.ĐIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm