Trên trang web chính thức, Cảnh sát quốc gia Indonesia đã thông báo: "Ngoài các cuộc kiểm tra y tế và thể chất, những người phụ nữ muốn trở thành nữ cảnh sát cần phải trải qua các bài kiểm tra trinh tiết. Vì vậy, tất cả những người phụ nữ nói trên cần phải giữ trinh tiết của họ. (!)"
Hôm 18-11, Nisha Varia, phó giám đốc phụ trách nữ quyền của tổ chức Tổ chức quan sát Nhân quyền (HRW) nêu rõ: "Cơ quan cảnh sát ở Jakarta cần phải dứt khoát xoá bỏ các cuộc kiểm tra trinh tiết ngay lập tức. Cần thông báo cho tất cả các nơi tuyển dụng cảnh sát trên toàn quốc dừng việc này lại".
Cảnh sát nữ Indonesia
Mặc dù các quan chức cảnh sát địa phương đã hứa trước đó sẽ xóa bỏ chính sách này, các cơ quan giám sát vẫn sẽ cho phỏng vấn các nữ cảnh sát viên trong sáu thành phố của Indonesia để chắc chắn việc kiểm tra được chấm dứt hoàn toàn.
Mới đây, một đoạn video clip về cuộc tra hỏi đã được đăng tải lên trang web YouTube. Những người phụ nữ được giấu danh tính trong clip đã kể lại, họ đã không giấu được nỗi đau đớn và nhục nhã trong suốt quá trình “kiểm tra bằng hai ngón tay”. Theo như HRW mô tả, đây đích thực là một hủ tục “cổ xưa và man rợ”.
Một người phụ nữ 24 tuổi cho biết: "Bước vào phòng kiểm tra trinh tiết thực sự khó chịu. Tôi sợ rằng sau khi họ thực hiện các cuộc kiểm tra xong, tôi thậm chí sẽ không phải là một trinh nữ nữa. Nó thật sự rất đau. Bạn của tôi thậm chí còn ngất xỉu trong suốt cuộc kiểm tra, vì quá đau đớn. "
Tuy nhiên, phát ngôn viên cảnh sát Indonesia Ronny Sompie, hiện là thiếu tướng, đã kêu gọi mọi người “đừng phản ứng tiêu cực" đối với các cuộc kiểm tra và giải thích rằng họ thực hiện như vậy là để đảm bảo các ứng viên không có bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Ông Sompie nói thêm: "Tất cả việc này đều được thực hiện một cách chuyên nghiệp và sẽ không gây tổn hại cho các ứng cử viên".
Tuy nhiên, các lời khai được ghi lại của HRW đã chỉ ra điều ngược lại. Một người phụ nữ 19 tuổi cho biết: "Tôi không muốn nhớ lại những kinh nghiệm tồi tệ đó. Thật xấu hổ. Tại sao chúng tôi lại phải cởi bỏ quần áo trước mặt người lạ?”
“Mặc dù những người kiểm tra trinh tiết là phụ nữ, nhưng họ hoàn toàn xa lạ. Đây giống như một sự phân biệt đối xử và không cần thiết phải làm việc này. Tôi nghĩ rằng việc kiểm tra nên dừng lại. "
Hiện tại ở Indonesia, nữ giới chỉ chiếm khoảng ba phần trăm trong tổng số 400.000 cảnh sát viên. Song, lực lượng cảnh sát nước này lại đang có kế hoạch gia tăng số lượng nữ cảnh sát.
Vào tháng mười hai, dự kiến sẽ có 21.000 nhân viên cảnh sát nữ được tuyển dụng tại nước này, chiến khoảng năm phần trăm tổng số lực lượng cảnh sát.
Ngoài ra, tổ chức quan sát Nhân quyền cũng đã ghi nhận một số các cuộc kiểm tra trinh tiết dành cho nữ cảnh sát tại các nước khác bao gồm Ai Cập, Ấn Độ và Afghanistan.
Năm ngoái, một số quan chức giáo dục ở Indonesia đã lên tiếng đề nghị kiểm tra trinh tiết tại các trường học, khiến cho các nữ sinh vị thành niên lo lắng và hoang mang.