Mỹ bị tố 'ngụy tạo' câu chuyện vũ khí hạt nhân Iran

Gareth Porter, nhà phân tích chính sách an ninh quốc gia của Mỹ, nói với hãng tin Sputnik rằng tuyên bố của Mỹ về việc Iran có vũ khí hạt nhân là dựa trên những ý tưởng sai lầm của đội ngũ tình báo Mỹ. Vị này cho biết thêm Trung Quốc khó có thể khoanh tay đứng nhìn Mỹ thực hiện chiến dịch chống Iran.

“Tình báo Mỹ đã nhiệt tình thổi phồng câu chuyện hạt nhân của Iran hơn cả khi họ đã làm điều tương tự với Iraq trước đây”, Porter nói hôm 3-7.

Porter cho rằng câu chuyện hạt nhân Iran bắt đầu từ thông tin sai lệch của nhóm tình báo Mỹ. Ngoài ra còn có sự góp phần của các quan chức CIA khi họ can thiệp vào quá trình đánh giá chương trình hạt nhân Iran.

Vấn đề hạt nhân Iran được thổi phồng đến đỉnh điểm khi bộ tài liệu, xuất phát từ Tổ chức Mujahedine Nhân dân Iran (MEK) có mối quan hệ với Israel, được chấp thuận làm bằng chứng chứng minh Iran đang theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân.

Khi đề cập đến một chiếc máy tính xách tay MEK cung cấp cho tình báo Israel  và nói rằng nó thuộc về một nhà khoa học hạt nhân Iran vào năm 2005, ông Porter nói: “Điều này hoàn toàn là bịa đặt. Người Israel đã đứng đằng sau câu chuyện này. Họ (người Israel) có khả năng lẫn động cơ để tạo ra những câu chuyện bịa đặt đó, và CIA đã cho phép họ làm như thế. Những tài liệu bịa đặt đó đã trở thành bằng chứng đưa ra thế giới và được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xem đó là bằng chứng để quy tội cho Iran.”

“Từ năm 2005, Mỹ và đồng minh đã khiến thế giới tin rằng Iran đang nỗ lực có được vũ khí hạt nhân”, Porter giải thích.

Porter nhắc đến Chiến tranh Iran-Iraq giai đoạn 1980-1988, với hơn 100.000 người Iran đã chết. Nhiều người trong số họ bị tấn công bằng khí độc của Iraq. Ở thời điểm đó, Tehran cũng có khả năng sản xuất vũ khí hóa học.

Porter nhấn mạnh "Dù vậy, Iran không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh. Nhà lãnh đạo cách mạng Iran thời đó, Ayatollah Khomeini, đã cấm hành vi sử dụng vũ khí hóa học. Đối với đạo Hồi dòng Shia, hành động này là bất hợp pháp".

Porter nói thêm rằng chưa bao giờ có “bằng chứng rõ ràng” về việc Iran sản xuất vũ khí hạt nhân. “Tôi nghĩ mọi người cần phải hiểu câu chuyện hạt nhân Iran được kể ở Mỹ hay châu Âu lâu nay không phải là sự thật" - vị này nói.

Thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA) được xem là một trong những thành tựu của cựu tổng thống Obama. Ảnh: National Review

Tehran đang ngừng một phần các cam kết theo thỏa thuận Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) nhằm kêu gọi các bên tham gia quay trở lại thực hiện đúng nghĩa vụ của thỏa thuận, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết hôm 3-7.

Dù đưa ra chiến dịch “gây áp lực tối đa” lên Iran, nhưng trên thực tế ông Trump không muốn chiến tranh với quốc gia Trung Đông này, Porter nói với hãng tin Sputnik.

“Tôi không nghĩ rằng ông Trump sẵn sàng gây chiến với Iran. Trừ khi người Mỹ bị Iran tấn công trực tiếp, ông Trump sẽ không gây chiến với họ”, Porter nói và lưu ý thêm rằng người Iran rõ ràng cũng không muốn gây chiến với Mỹ.

Ngoài ra, theo dữ liệu mà công ty nghiên cứu năng lượng Kpler SAS có trụ sở tại Paris thu được, có ít nhất năm tàu di chuyển về hướng Trung Quốc đã chở dầu khí của Iran. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ không tuân theo “chiến dịch áp lực tối đa” của Mỹ.

Trong những ngày gần đây, con tàu thuộc sở hữu của Trung Quốc, “Sino Energy 1”, đã được nhìn thấy gần vùng biển Iran. Vài ngày sau, con tàu này rời khỏi vùng biển Iran, và dường như đã chở đầy dầu khí, theo tờ New York Times.

“Tôi nghĩ điều này báo hiệu khá rõ rằng Trung Quốc sẽ không đi theo chiến dịch “áp lực tối đa” của Mỹ. Một câu hỏi lớn hơn là liệu châu Âu có khả năng giữ vai trò độc lập trong vấn đề này không. Hiện tại, châu Âu có vẻ sẽ đi theo Mỹ, mặc dù họ biết điều đó là sai và có rủi ro rất cao. Tôi đoán là họ chưa sẵn sàng thách thức Mỹ vì Mỹ vẫn đang nắm giữ sức mạnh của nền kinh tế thế giới”, Porter giải thích.

Theo Porter, tình hình Iran-Mỹ sẽ có thể diễn biến theo hai hướng.

“Một là những diễn biến hiện tai sẽ vẫn tiếp tục trong vài tháng tới và người Iran chắc chắn có những hành động khiến Mỹ [ám chỉ Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton] phải có hành động quyết liệt hơn về mặt quân sự và chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến một cuộc chiến tranh thực sự."

"Hai là ông Bolton (Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ) sẽ được thay thế bởi một người khác. Người này sẽ thực sự làm điều gì đó về mặt ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay”, Porter nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm