Khác với Al-Queda, IS ít chịu ảnh hưởng của các nhà đầu tư giàu có do không phụ thuộc vào các nguồn tiền cướp được hay nguồn quyên góp. Chúng còn có nguồn thu lớn từ việc bán dầu.
Mỗi tháng, IS kiếm được hàng chục triệu đô la thông qua rất nhiều nguồn như: các nhà tài trợ nước ngoài, bắt cóc, tống tiền, các hoạt động cướp bóc và buôn lậu dầu mỏ.
Bằng những chiến dịch đẫm máu, IS đã chiếm được nhiều mỏ dầu lớn của Iraq và Syria. Theo lời của Thứ trưởng tài chính Mỹ David Cohen, việc này sẽ đe dọa đến Mỹ và đồng minh, “IS có lẽ là tổ chức khủng bố có nguồn tài chính lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt.”
Ông Cohen cũng nói: “Chúng ta không thể vét sạch két tiền của IS trong thời gian ngắn.” Mỹ và đồng minh vẫn đang tìm phương án mới để chặt đứt nguồn thu của IS mà chủ yếu là từ dầu mỏ.
Theo ông, IS đã thâm nhập vào “thị trường dầu đen” của Iraq và Syria, bán dầu cho những kẻ buôn lậu tại Thổ Nhĩ Kỳ và Kurdistan (vùng tự trị của người Kurd) tại Iraq.
Thứ trưởng tài chính Mỹ David Cohen cảnh báo Washington sẽ cấm vận bất kỳ ai mua dầu từ IS (Ảnh: Reuters)
Theo Cơ quan năng lượng quốc tế ước tính, từ khi Mỹ bắt đầu các cuộc không kích tấn công vào IS ở Iraq (tháng 8) và Syria (tháng 9), lượng dầu thô của IS đã giảm xuống còn 20.000 thùng mỗi ngày, ít hơn 1/3 lượng dầu chúng sản xuất trong mùa hè. Trước đó, IS trung bình thu về được gần 2 triệu đô la/ngày nhờ buôn lậu dầu mỏ.
Bên cạnh việc sử dụng không quân để cắt đứt hoạt động khai thác dầu của IS, Mỹ cũng mạnh tay trừng trị các nguồn tài trợ của lực lượng khủng bố. Lệnh cấm vận sẽ cắt đứt mọi giao dịch tài chính từ Mỹ và nhiều ngân hàng trên thế giới với các công ty trung gian, thương mại, chế xuất và vận chuyển dầu mỏ bắt nguồn từ IS.
Ông Cohen cũng cho biết, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Kurdistan đã bắt đầu tìm cách phá vỡ mạng lưới buôn lậu dầu mỏ mà IS đang lợi dụng, vốn đã tồn tại từ lâu.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đề nghị các quốc gia không nên trả tiền chuộc nhằm chặt đứt nguồn thu của IS từ việc bắt cóc tống tiền, ước tính lên đến 20 triệu đô la trong năm nay.