Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh hành động trả tự do một cựu quân nhân Mỹ của Iran, đồng thời thể hiện sự lạc quan về việc có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân mới với quốc gia châu Á này, theo hãng tin Reuters.
“Tôi vừa gọi điện nói chuyện với ông Michael White, ông ta hiện đang ở Zurich, Thụy Sĩ sau khi được thả ra khỏi Iran. Ông ấy sẽ được đưa về nhà bằng máy bay của Mỹ trong thời gian ngắn thôi” - ông Trump viết trên trang Twitter của mình hôm 4-6.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng ca ngợi hành động trả tự do một cựu quân nhân Mỹ của Iran. Ảnh: TWITTER
Tổng thống Trump cũng thể hiện sự biết ơn với Iran vì sự hợp tác trong việc thả tự do cho người cựu quân nhân Mỹ, đồng thời thể hiện niềm tin vào khả năng có được một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran sau lần trao trả tù nhân này.
Ông Trump thể hiện sự lạc quan về việc có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Ảnh: Twitter
Trong chuyến viếng thăm bạn gái của mình ở Iran, ông White đã bị chính quyền nước này bắt giam vào tháng 6-2018, sau đó bị kết án 10 năm tù với các cáo buộc xúc phạm lãnh tụ tối cao Iran - ông Ali Khamenei và chia sẻ một bức ảnh riêng tư trên mạng xã hội.
Khi dịch COVID-19 bùng phát khắp Iran, chính phủ quốc gia này đã ra lệnh gửi hàng ngàn tù nhân trở về nhà trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch ảnh hưởng.
Ông White là một trong số 85.000 tù nhân đã tạm thời được cho ra tù, nhưng vẫn bị tạm giữ tại Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Tehran cho đến tuần này thì được chấp thuận đưa trả về Mỹ.
Tổng cộng đã có 164.270 người dương tính với COVID-19 ở Iran tính đến thời điểm hiện tại (theo số liệu từ trang thống kê Worldometers), và các nhà chức trách Iran cũng đang cảnh báo về một "làn sóng thứ hai" của nạn dịch này có thể xảy ra ở đây.
Cựu quân nhân Michael White (bên trái) cùng Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Iran - ông Brian Hook (bên phải) tại Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
Lời khen hiếm hoi của Tổng thống Trump dành cho chính quyền Tehran được đưa ra khi căng thẳng giữa hai nước tiếp tục tăng cao.
Vào tháng 5-2018, Mỹ đã chính thức rời bỏ khỏi hiệp ước hạt nhân đã ký với Iran năm 2015 - với tên gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - khiến hiệp ước bị ảnh hưởng nặng nề cho các bên tham gia, trong nỗ lực để cứu vãn JCPOA.
Mới tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ chấm dứt gần như tất cả các miễn trừ còn lại của các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Ngoài việc kìm hãm chương trình hạt nhân của Iran, Washington còn gia tăng áp lực kinh tế đối với chính quyền Tehran, giảm lượng xuất khẩu dầu của quốc gia này xuống mức không.
Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, vào cuối tháng 5-2020, một đội tàu chở dầu của Iran đã vận chuyển một lượng lớn dầu đến cảng ở Venezuela. Washington cho biết Mỹ đang xem xét để trả đũa cho hành động này của Iran, hãng tin Reuters cho biết.