Chính phủ Trump ngày 26-4 thông báo chiến lược đối phó Triều Tiên của mình sẽ chủ yếu nhờ vào vận động quốc tế siết chặt trừng phạt, tăng áp lực ngoại giao và để mở khả năng đối thoại.
Chiến lược này được thống nhất sau cuộc họp bất thường với các thượng nghị sĩ Mỹ tại Nhà Trắng cùng ngày, có sự tham gia của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford, Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats. Các nghị sĩ Mỹ thời gian qua vẫn muốn làm rõ chiến lược đối với Triều Tiên, sau khi nước này thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa cũng như lo ngại nước này sẽ có vụ thử hạt nhân thứ sáu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (giữa) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford (phải) rời Nhà Trắng sau cuộc họp với các thượng nghị sĩ ngày 26-4. Ảnh: REUTERS
“Hướng đi của tổng thống nhằm buộc Triều Tiên hủy bỏ các chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo là thắt chặt trừng phạt kinh tế và theo đuổi các biện pháp ngoại giao cùng với các đồng minh và đối tác khu vực” - Reuters dẫn tuyên bố sau cuộc họp.
“Mục tiêu của Mỹ là tìm kiếm sự ổn định, hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi để mở khả năng thương lượng vì mục tiêu này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn sàng tự vệ và bảo vệ đồng minh”.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, ba ông Tillerson, Mattis, Coats mô tả Triều Tiên là “một mối đe dọa an ninh quốc gia khẩn cấp và một ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu”.
Reuters nhận định chủ trương này là một tín hiệu cho thấy chính phủ Trump đang muốn tận dụng hết khả năng các phương án phi quân sự trong đối phó với các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Có thể xem Mỹ đã tạm thời loại trừ phương án tấn công phủ đầu Triều Tiên, dù trước đó luôn lặp đi lặp lại “mọi phương án đều đang được tính đến”. Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, nghị sĩ Dân chủ Christopher Coons cho biết các phương án quân sự cũng đã được bàn đến trong cuộc họp.
Nghị sĩ John McCain lên xe đi từ trụ sở Quốc hội đến Nhà Trắng để tham dự cuộc họp về Triều Tiên ngày 26-4. Ảnh: REUTERS
Sự đe dọa ngày càng lớn từ hạt nhân và tên lửa Triều Tiên có lẽ là thách thức an ninh lớn nhất mà Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt. Ông Trump đang chạy đua hết sức để ngăn chặn Triều Tiên phát triển được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bắn tới nước Mỹ, mà theo dự đoán của các chuyên gia thì Triều Tiên có thể sẽ thành công sau năm 2020.
Ngày 28-4 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Tillerson sẽ chủ trì một cuộc họp cấp bộ trưởng Hội đồng Bảo an LHQ, bàn các bước đi trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên. Theo các quan chức Mỹ, cuộc họp này có thể sẽ bàn đến các biện pháp cấm vận dầu mỏ, hàng không, thanh tra hàng hóa, trừng phạt thứ phát các ngân hàng Trung Quốc cũng như các nước giao dịch với Triều Tiên.
Đoàn xe chở các thượng nghị sĩ từ trụ sở Quốc hội đến Nhà Trắng để tham dự cuộc họp về Triều Tiên ngày 26-4. Ảnh: REUTERS
Theo nhiều quan chức Mỹ, để các biện pháp này mang lại hiệu quả cần thiết có sự hợp tác toàn diện từ Trung Quốc, chưa kể lo ngại trừng phạt cứng rắn quá có thể gặp rủi ro trả đũa mạnh từ Triều Tiên.
Chính phủ Trump đang hy vọng vào khả năng lần này Trung Quốc sẽ chịu hợp tác, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng này ở Mỹ. Tuy nhiên chưa biết diễn biến sẽ thế nào, khi Trung Quốc dù bất an với chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên nhưng cũng rất lo ngại viễn cảnh mình sẽ mất an ninh khi nước láng giềng này bị bất ổn. Chưa kể Trung Quốc phản đối mạnh việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn mới (THAAD) vào Hàn Quốc.
Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 26-4. Ảnh: REUTERS
Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện về “đánh giá của quân đội về các thách thức an ninh ở khu vực Đông Dương - châu Á-Thái Bình Dương ngày 26-4, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết hệ thống THAAD sẽ được kích hoạt “trong vài ngày tới”, đề nghị Trung Quốc nên tập trung tăng ảnh hưởng lên Triều Tiên hơn là lo ngại hệ thống này.
Cũng chưa biết các biện pháp này sẽ có hiệu quả đến đâu khi ngày 26-4, Bộ Ngoại giao Triều Tiên mô tả việc Mỹ mong muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân nhờ đe dọa quân sự và trừng phạt là “một giấc mơ ngông cuồng”, “vớt nước biển với một cái chổi”.