Các nhà lãnh đạo Mỹ cho biết hôm 13-2, đối mặt với Trung Quốc trỗi dậy và đang mở rộng đội tàu hải quân nằm trong nhóm lớn nhất thế giới với các loại vũ khí chiến đấu mạnh mẽ, Hải quân Mỹ cần phải thay đổi tư duy chiến lược, tờ Breaking Defense đưa tin.
Hải quân Mỹ đã đang đối mặt trực tiếp với một số mối đe dọa từ Trung Quốc. Vào tháng 9-2018, một tàu chiến Trung Quốc đã thách thức tàu khu trục USS Decatur của Mỹ ở Biển Đông khi tàu này tiến hành tuần tra tự do hàng hải.
Tàu sân bay lớp Nimitz USS Abraham Lincoln phóng tên lửa cán máy bay trong các thử nghiệm kiểm tra chất lượng tàu chiến. Ảnh: US NAVY
Sau một hoạt động tương tự hồi tháng 1-2019, truyền thông Trung Quốc đã rêu rao rằng tên lửa đạn đạo DF-26 mà nước này triển khai sở hữu khả năng chống hạm. Mặc dù khả năng đó chưa bao giờ được chứng minh, nhưng chúng đe dọa các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Các mối đe dọa do quân đội Trung Quốc gây ra đang gia tăng.
Quân đội Trung Quốc (PLA) “là mối đe dọa chính đối với lợi ích của Mỹ, công dân Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong Chuỗi đảo thứ nhất - một thuật ngữ chỉ các đảo chạy từ phía Bắc Nhật Bản qua Đài Loan, Philippines và Indonesia”, Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ nói với Quốc hội hôm 12-2, theo The National Interest.
Chống lại mối đe dọa từ PLA là một chủ đề thảo luận sôi nổi trong toàn quân đội Mỹ. Chuẩn đô đốc Ronald Boxall, Giám đốc Chiến tranh mặt biển của Hải quân trong tuần này tại một hội nghị chiến tranh hải quân ở San Diego (Mỹ), nhận định “Mỹ đã dành rất nhiều thời gian trong những năm qua để phòng thủ. Chờ đối phương đến với mình, chờ tên lửa đến, chờ máy bay đến. Phòng thủ tốt nhất là một cuộc tấn công tốt và việc Mỹ sẽ xử lý tốt các mối đe dọa là điều mà Mỹ phải có thể làm được”.
Nhận xét của ông Boxall phản ánh những tuyên bố trước đó của lãnh đạo Hải quân Mỹ, cũng như sự quan tâm sâu sắc của quân đội Mỹ trong việc phát triển vũ khí tầm xa.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc trong cuộc tập trận hải quân Trung Quốc-Nga kéo dài một tuần. Ảnh: AP
Đô đốc John Richardson, Giám đốc điều hành Hải quân Mỹ cho biết Mỹ phải xem xét không chỉ các phản ứng ra sao mà còn kiểm soát mọi việc diễn ra như thế nào. Cần phải cứng rắn với Trung Quốc thì nước này mới có thể thực thi luật pháp quốc tế trên biển, theo USNI News.
Mỹ cần phải có vũ khí tấn công để đề phòng trường hợp thế trận phòng thủ bị phá vỡ trong khi thực tế Mỹ sẽ mạnh hơn ở thế tấn công, ông Boxall cho biết hôm 13-2.
Hải quân Mỹ cần phải ở thế tấn công. Với tầm bắn mà tên lửa của Trung Quốc có thể đạt được, Mỹ nhận thấy phải cần thêm một thứ vũ khí nổi bật hơn, Chuẩn đô đốc Daryl Caudle, chỉ huy lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương, cho biết hôm 13-2.
Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch bắt đầu trang bị cho các tàu chiến bằng tên lửa tấn công chống hạm tầm xa vào cuối năm nay. Các tàu ngầm Mỹ hiện đang có được tên lửa chống hạm Harpoon. Hậu cần Hải quân Mỹ đang làm việc với các đối tác trong ngành để mở rộng khả năng.
Trung Quốc lâu nay đang tiến hành bành trướng ở Biển Đông, bất chấp vi phạm luật pháp quốc tế. Bắc Kinh cho quân đội chiếm đóng và quân sự hóa nhiều thực thể ở Trường Sa và Hoàng Sa - hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.