Một nhóm nhà khoa học Mỹ đã phát hiện dấu hiệu cho thấy virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19) có thể đã bắt đầu suy yếu, hãng tin Sputnik cho hay.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Bang Arizona (Mỹ - ASU) do Phó Giáo sư - chuyên gia nghiên cứu virus Efrem Lim dẫn đầu đã theo dõi cách thức virus SARS-CoV-2 lây lan, biến đổi và thích nghi trên cơ thể người bệnh.
Nhóm này đã phát hiện một đột biến xóa bỏ vĩnh viễn 81 đơn phân trên RNA của virus SARS-CoV-2, tương tự đột biến gen trên virus SARS xuất hiện ở giai đoạn cuối của dịch SARS năm 2003. Phát hiện này mở ra giả thuyết rằng virus SARS-CoV-2 đang đột biến theo hướng làm chúng yếu đi.
Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên kho lưu trữ dữ liệu nghiên cứu y khoa medRxiv và tạp chí nghiên cứu virus Virology (phiên bản trực tuyến). Theo ASU, nghiên cứu đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng y khoa thế giới, bao gồm cả các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Phó Giáo sư - chuyên gia nghiên cứu virus Efrem Lim thuộc Đại học Bang Arizona. Ảnh: ASU
Nhóm nghiên cứu của ASU đã giải mã được hơn 16.000 trình tự gen của virus SARS-CoV-2 và gửi chúng vào ngân hàng gen virus của GISAID - một tổ chức nghiên cứu virus phi lợi nhuận cũng tiếp nhận trình tự gen của nhiều trung tâm nghiên cứu khác trên khắp thế giới.
Các trình tự gen của GISAID do cho thấy virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc chung duy nhất từ TP Vũ Hán (Trung Quốc). Tuy nhiên, phân tích sự biến đổi của virus cho thấy nguồn lây nhiễm đầu tiên ở bang Arizona có thể là từ khu vực châu Âu.
Trong 382 mẫu bệnh phẩm dương tính với SARS-CoV-2, nhóm nghiên cứu nhận thấy một đột biến tự loại bỏ vĩnh viễn một chuỗi 81 đơn phân. Chuỗi đơn phân này là một phần dữ liệu di truyền để tạo ra protein ORF7a - một protein tham gia vào quá trình lây lan của virus.
Chuyên gia Lim cho biết "một trong những lý do khiến đột biến này được quan tâm là nó giống một đột biến lớn (trên virus SARS - PV) phát sinh trong đại dịch SARS năm 2003".
Trình tự gen của ASU là trình tự gen đầu tiên (và duy nhất cho tới thời điểm này) trong ngân hàng gen của GISAID xuất hiện đột biến ở chuỗi 81 đơn phân ARN trên.
Các nhà khoa học tin rằng các loại virus có thể đột biến để tự làm yếu chúng để tiếp tục gây bệnh nhưng không gây ra triệu chứng. Cách "tiến hóa" này giúp virus có lợi thế chọn lọc so với những virus gây bệnh nặng - thường sẽ bị phát hiện và bị đào thải khỏi cơ thể người bệnh trong quá trình điều trị.
Mã acid amin trên protein ORF7a của virus SARS-CoV-2 mang đột biến, của virus SARS-CoV-2 không đột biến ở Arizona và ở Vũ Hán, của virus corona trên tê tê, trên dơi và virus SARS (năm 2003) (theo thứ tự từ trên xuống dưới). Ảnh: ASU
Nhóm chuyên gia ASU cho rằng việc phát hiện ra đột biến lớn này có thể cung cấp manh mối về cách thức virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở người, mở ra khởi đầu mới trong cuộc chạy đua chế vaccine hoặc thuốc chữa trị COVID-19.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Matthew Scotch, đồng tác giả của nghiên cứu này, nói với báo New York Post rằng đột biến chỉ xuất hiện ở một trình tự gen và vẫn còn quá sớm để khẳng định virus SARS-CoV-2 đang yếu đi.
Hiện nhóm này vẫn đang tiếp tục tiến hành các thí nghiệm tiếp theo để xác định ảnh hưởng của đột biến này đến sự lây lan của virus ở người.
Ông Lim lưu ý rằng ASU chỉ mới nghiên cứu 16.000 trình tự gen virus SARS-CoV-2, chưa bằng 0,5% số virus đang tồn tại trên khắp thế giới. Do đó, cần tiếp tục có sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa các tổ chức và các nước để hiểu hơn về chủng virus mới này.
Hiện nay, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là hơn 3.818.800 trường hợp, trong đó 264.814 ca bệnh đã tử vong. Mỹ chiếm hơn 33% số ca nhiễm bệnh với gần 1.263.000 trường hợp, trong đó hơn 9.700 ca được phát hiện ở bang Arizona, theo chuyên trang thống kê Worldometer.
Nghiên cứu của ASU được công bố sau khi nhóm nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (Mỹ) phát hiện một chủng mới đột biến từ virus SARS-CoV-2, dấy lên lo ngại về sự phát triển mạnh mẽ hơn của chủng virus này.
Những kết quả trái chiều trên còn cần nhiều nghiên cứu để kiểm chứng vì SARS-CoV-2 là chủng virus mới và còn nhiều điều mà con người chưa hiểu hết về chủng virus này.