Ủy ban Thẩm định an ninh và kinh tế Mỹ-Trung (USCC) cho rằng Trung Quốc đã gây áp lực khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không xem xét cảnh báo của vùng lãnh thổ Đài Loan về đại dịch COVID-19, báo South China Morning Post đưa tin.
Ngày 12-5, USCC đã công bố báo cáo về các vấn đề an ninh quốc gia trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh do ủy ban này trình lên Quốc hội Mỹ. Báo cáo được đặt tên là "Trò chơi chết người của Bắc Kinh: Hậu quả của việc chặn Đài Loan tham gia cùng WHO trong đại dịch COVID-19".
Báo cáo viết rằng áp lực và sự ảnh hưởng của Trung Quốc đã khiến WHO phớt lờ cảnh báo của Đài Loan, tạo ra "sự chậm trễ đáng bị chỉ trích" trong việc hướng dẫn các quốc gia thành viên WHO đối phó đại dịch.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong chuyến công tác của WHO đến Trung Quốc hồi tháng 1. Ảnh: TÂN HOA XÃ
USCC cho rằng Bắc Kinh đã làm suy yếu khả năng chia sẻ các chiến lược y tế của Đài Loan trong việc khống chế dịch COVID-19.
"Nếu WHO cho phép các chuyên gia y tế Đài Loan chia sẻ thông tin và các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất từ đầu tháng 1, chính phủ các quốc gia trên thế giới có thể đã có những thông tin đầy đủ để làm cơ sở cho các chính sách y tế công cộng" - báo cáo viên - nhà phân tích Anastasya Lloyd-Damnjanovic viết trong báo cáo.
"Việc WHO che giấu thông tin do Đài Loan cung cấp và công bố các hướng dẫn một cách chậm trễ đã gây hại cho an ninh quốc gia của rất nhiều thành viên" - những nước tin tưởng rằng WHO sẽ đưa ra những hướng dẫn y tế đáng tin cậy.
Báo cáo cho rằng WHO đã phớt lờ thư của chính quyền Đài Loan (được gửi từ cuối tháng 12-2019) yêu cầu được cung cấp thêm thông tin về những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), cũng như bỏ qua những nỗ lực sau đó của vùng lãnh thổ này nhằm chia sẻ thông tin với WHO.
"Khi Đài Loan hành động để khống chế COVID-19 trong vùng lãnh thổ này và phát triển các phương pháp điều trị có thể áp dụng được trên toàn cầu, WHO đã chặn đứng những cố gắng của Đài Loan trong việc chia sẻ thông tin và tham gia vào các cuộc thảo luận y tế với các quốc gia thành viên WHO" -bà Lloyd-Damnjanovic viết.
"Mặc dù WHO cho phép các chuyên gia Đài Loan tham gia họp trực tuyến trong diễn đàn của WHO thảo luận cách ứng phó với COVID-19 (diễn ra hồi tháng 2 - PV), các chuyên gia này không thể tương tác trực tiếp với đại diện các quốc gia thành viên WHO hay chia sẻ thông tin về cách ứng phó của nền y tế công cộng Đài Loan" - bà viết.
Vấn đề Đài Loan là một chủ đề nóng trong các căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Washington cũng cáo buộc Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự gần đảo Đài Loan.
Đài Loan từng được mời tham gia các hoạt động của WHO với tư cách là quan sát viên trong giai đoạn 2009-2016, khi quan hệ vùng lãnh thổ này và Trung Quốc đại lục đang trong giai đoạn nồng ấm.
Ông Steven Solomon, người đứng đầu văn phòng phụ trách các vấn đề pháp lý của WHO, cho biết Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus có thể gửi giấy mời Đài Loan tham gia các chương trình của tổ chức này nếu như tất cả các quốc gia thành viên WHO đều ủng hộ sự tham gia của Đài Loan - giống như giai đoạn 2009-2016.
Tuy nhiên, ông Solomon cho rằng "bây giờ tình huống đã không còn như trước. Thay vì ủng hộ một cách rõ ràng, các quốc gia đã có những động thái khác nhau và tổng giám đốc không có cơ sở - theo đó là không có quyền - gửi thư mời Đài Loan".
Ông Solomon cho biết đã có 13 quốc gia thành viên WHO đề xuất mời Đài Loan tham gia Hội nghị Y tế thế giới (WHA) sắp tới và các quốc gia thành viên đều có thể xem xét đề xuất này.
Báo cáo được công bố chỉ ba ngày sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố tập tài liệu dày 30 trang, phản bác 24 cáo buộc "hoang đường và dối trá không thể tin nổi" của "một số chính trị gia và nền truyền thông Mỹ" nhắm vào Bắc Kinh, trong đó có việc Trung Quốc can thiệp để WHO phớt lờ cảnh báo của Đài Loan.