Một bản báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) với nội dung được hai quan chức tình báo Mỹ xác nhận với tạp chí Newsweek cho biết Trung Quốc đã dọa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng nước này sẽ ngừng hợp tác với cuộc điều tra của cơ quan này nếu WHO công bố một tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu.
Đây là lần thứ hai, một cơ quan tình báo phương Tây đưa ra báo cáo như thế và có thể làm tăng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến đại dịch vốn đã khiến hơn 290.000 người tử vong trên khắp thế giới, với hơn 1/4 là người Mỹ.
Báo cáo đầu tiên, một bản đánh giá của tình báo Đức do báo Der Spiegel công bố tuần qua, cáo buộc cá nhân ông Tập Cận Bình gây áp lực lên Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vào ngày 21-1.
Trụ sở CIA. Ảnh: REUTERS
WHO đã bác bỏ cáo buộc ông Tập đã can thiệp nhưng từ chối trả lời câu hỏi liệu các quan chức Trung Quốc có nỗ lực trì hoãn hoặc thay đổi tuyên bố về Tình trạng Khẩn cấp y tế công cộng Quốc tế (PHEIC) hay không.
“Chúng tôi không bình luận về các cuộc thảo luận cụ thể với các quốc gia thành viên nhưng chúng tôi có thể nói rằng mọi lúc trong đại dịch, WHO đã hành động theo nhiệm vụ của mình là một tổ chức kỹ thuật dựa trên bằng chứng, tập trung vào việc bảo vệ tất cả mọi người, ở mọi nơi" - phát ngôn viên WHO Christian Lindmeier nói với Newsweek.
“WHO dựa trên các khuyến nghị về khoa học, thực hành tốt nhất về sức khỏe cộng đồng, bằng chứng, dữ liệu và lời khuyên của các chuyên gia độc lập” - ông Lindmeier nói thêm.
“Tiến sĩ Tedros đã không liên lạc với Chủ tịch Tập vào ngày 20, 21 hoặc 22. Tiến sĩ Tedros và nhóm cao cấp của ông đã gặp Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh vào ngày 28-1. Vấn đề PHEIC không được đưa ra trong cuộc họp đó” - ông Lindmeier nhấn mạnh.
Các quan chức tình báo Mỹ đã tiếp xúc với Newsweek không thể nói liệu ông Tập có vai trò trong việc gây áp lực với WHO hay không.
Khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 30-1, họ đã nói rất nhiều rằng Trung Quốc không làm gì sai, một cách tiếp cận đã gây bất bình ở phương Tây và khiến Tổng thống Donald Trump chỉ trích WHO “thiên vị” Trung Quốc trước khi ông tuyên bố đình chỉ tài trợ cho tổ chức này của Liên Hợp Quốc hồi tháng 3.
“Hãy để tôi nói rõ: Tuyên bố này không phải là một cuộc bỏ phiếu không tin tưởng vào Trung Quốc. Ngược lại, WHO tiếp tục tin tưởng vào khả năng của Trung Quốc trong việc kiểm soát đợt bùng phát dịch” - Tổng giám đốc WHO Tedros phát biểu vào thời điểm đó.
“Cái mà WHO đã làm mà không bị trừng phạt là không thể tin nổi. Họ là một công cụ cho Trung Quốc, vì vậy tôi sẽ sớm đưa ra quyết định” - Tổng thống Trump nói với các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cuối tuần trước về tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ với WHO.
Trung Quốc đã bị chỉ trích rộng rãi vì cách họ xử lý dịch COVID-19 lúc ban đầu ở Vũ Hán, khi chính phủ nước này bị cho là đã ngăn các bác sĩ cảnh báo thế giới, cáo buộc quân đội Mỹ gây ra dịch và trì hoãn thông báo chính thức về sự bùng phát dịch khiến nó lây lan ra khắp thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một cuộc gặp. Ảnh: NEWSWEEK
Sự hoài nghi của phương Tây
Số người tử vong và tỉ lệ lây nhiễm của Trung Quốc được đánh giá một cách hoài nghi ở phương Tây, và các cơ quan tình báo Mỹ đã nói rằng có khả năng virus đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, mặc dù không có bằng chứng mạnh bổ trợ giả thuyết này và phía Trung Quốc cũng đã phản bác kịch liệt.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không phản hồi yêu cầu bình luận của Newsweek nhưng tuyên bố tại một cuộc họp báo đầu tuần này rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc “thậm chí không có một cuộc điện đàm như thế với người đứng đầu WHO vào ngày 21-1” để phản ứng với bài báo của Der Spiegel.
CIA cũng từ chối yêu cầu bình luận của Newsweek.
Thời điểm hé lộ tài liệu CIA và báo cáo trước đó của Đức phù hợp với một phân tích khác do Bộ An ninh nội địa Mỹ thực hiện, vốn cho thấy Trung Quốc đã trấn áp thông tin về dịch COVID-19 vào tháng 1 để tích trữ vật tư y tế từ khắp nơi trên thế giới.
Phân tích đó, được hãng AP đăng tải đầu tiên, đã bị Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington bác bỏ là “không có căn cứ” trong một tuyên bố với Newsweek.
Bắc Kinh đã nhập khẩu 2,5 tỉ chiếc thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) bao gồm hơn 2 tỉ khẩu trang trong khoảng thời gian từ ngày 24-1 đến 29-2, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Sự tăng đột biến của các đơn đặt hàng đi kèm với những lời kêu gọi nhiệt thành từ các cơ quan ngoại giao của Bắc Kinh trên toàn cầu nhằm đảm bảo nguồn cung khi quốc gia đông dân nhất thế giới này tự trang bị để chống lại sự bùng phát dịch COVID-19.
Tuy nhiên, COVID-19 sau đó đã lan rộng ra khỏi biên giới Trung Quốc, và một số quốc gia từng xuất khẩu PPE cho Trung Quốc lâm vào tình trạng thiếu hụt. Bắc Kinh sau đó bắt tay vào chiến dịch cung cấp PPE, nhân sự và các hỗ trợ khác cho các quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ.
Trung Quốc lần đầu tiên thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới về một chủng virus Corona mới gây bệnh cho người dân của họ vào ngày 31-12-2019 và bắt đầu thông báo chính thức cho Mỹ vào ngày 3-1. Vào ngày 20-1, Bắc Kinh lần đầu tiên ghi nhận những trường hợp lây bệnh từ người sang người, cho thấy virus trên dễ lây lan hơn so với đánh giá ban đầu.
Chủng virus gây viêm đường hô hấp cấp sau đó được đặt tên SARS-CoV-2, và căn bệnh mà nó gây ra được gọi là COVID-19.
WHO đã tổ chức hai cuộc bỏ phiếu vào ngày 22 và 23-1 để quyết định có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hay không, nhưng ủy ban chuyên trách của tổ chức này đã không thể đưa ra kết luận. Một cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 30-1 đã dẫn đến việc ban bố PHEIC.