Theo tờ The Wall Street Journal, chiến sự ở Ukraine và Trung Đông đang làm cho kho dự trữ rocket và đạn dược của Mỹ trở nên cạn kiệt, sản xuất không kịp nhu cầu.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách để mở rộng dây chuyền sản xuất các loại vũ khí quan trọng như rocket dẫn đường GMLRS và rocket tầm xa PrSM.
“Trước những thách thức tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các cường quốc, những loại rocket chính xác như GMLRS và PrSM ngày càng trở nên quan trọng. Điều bắt buộc là chúng tôi [Mỹ] phải có dây chuyền sản xuất hiện đại để cung cấp rocket trên quy mô lớn” - ông Jeff Jurgensen, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết.
GMLRS là một loại rocket có trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS, có thể phóng riêng lẻ hoặc hàng loạt, sở hữu tầm bắn từ 70-150 km. Trong khi đó, PrSM là rocket có độ chính xác cao, tầm bắn xa từ 60-499 km. Cả hai đều do tập đoàn Lockheed Martin (có trụ sở tại Mỹ) phát triển.
Trong tác chiến, GMLRS và PrSM thường được gắn trên hệ thống pháo binh cơ động cao HIMARS. Mỗi hệ thống HIMARS thường mang một bệ phóng bao gồm 6 rocket GMLRS hoặc 2 rocket PrSM.
Theo yêu cầu gần đây về ngân sách hoạt động cho Lục quân Mỹ trong năm 2025, lực lượng này đặt mục tiêu sẽ mua sắm 6.400 quả rocket GMLRS, tăng từ mức quả 5.000 rocket của năm nay.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của Lục quân Mỹ cũng như các đối tác khác, Lockheed Martin đang nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất rocket GMLRS từ 10.000 lên 14.000 quả mỗi năm tại nhà máy của tập đoàn ở TP. Camden (bang Arkansas, Mỹ). Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất đòi hỏi phải thuê thêm công nhân, và đây là vấn đề không dễ thực hiện được.
Điều này đã thúc đẩy chính phủ Mỹ tìm đến đồng minh của mình nhằm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu rocket.
Mỹ tìm đến Úc để sản xuất rocket
Các quan chức Mỹ đang lên kế hoạch mở nhà máy tại Úc để sản xuất rocket GMLRS cho tập đoàn Lockheed Martin.
Theo kế hoạch, Lockheed Martin sẽ thuê sáu kỹ sư người Úc và những người này sẽ đến nhà máy sản xuất của tập đoàn tại TP. Camden để tìm hiểu về quy trình sản xuất rocket.
Sau đó, Lockheed Martin sẽ vận chuyển các bộ phận linh kiện lắp ráp chưa hoàn chỉnh của rocket GMLRS từ Mỹ đến Tòa nhà 215 - một căn cứ quân sự ở ngoại ô TP. Sydney (bang New South Wales, Úc). Đây là nơi dự kiến đặt nhà máy để Úc đảm nhận lắp ráp hoàn thiện rocket.
Sau này, thay vì chỉ lắp ráp linh kiện, Mỹ sẽ dần bàn giao để Úc tự sản xuất các bộ phận bên trong rocket như động cơ và đầu đạn.
Cùng với GMLRS, các quan chức Mỹ cho biết rằng Úc gần đây cũng đang tham gia phát triển rocket PrSM.
Úc nỗ lực giúp Mỹ đáp ứng nhu cầu
Đáp lại kỳ vọng từ phía Mỹ, các quan chức Úc cho biết rằng lô đầu tiên gồm khoảng chục quả rocket GMLRS do nước này lắp ráp sẽ được bắn thử vào cuối năm 2025. Đến cuối thập niên này, Úc đặt mục tiêu có thể sản xuất hàng nghìn quả rocket mỗi năm, đồng thời mở thêm các nhà máy khác.
“Chúng tôi cần tạo ra 3.000 quả rocket GMLRS mỗi năm” - ông Leon Phillips, Thống chế Không quân Úc, đồng thời cũng là người đảm nhiệm giám sát các nỗ lực sản xuất rocket của nước này, cho biết.
Úc dự định sẽ chi 2,7 tỉ USD để phục vụ cho chương trình này.
Mặc dù việc tìm kiếm công nhân lành nghề có thể là thách thức vì Úc đang thiếu kỹ sư, song ông Phillips khẳng định rằng mối lo ngại đó có thể giải quyết được.
Ông Phillips cũng cho biết rằng ngành công nghiệp quốc phòng Úc có kinh nghiệm sản xuất một số bộ phận của rocket, vì quốc gia này đã có một số nhà máy sản xuất thuốc phóng, đạn dược và các chất nổ khác.