Trong cuộc gặp ba bên với đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Noh Kyu-duk và ông Takehiro Funakoshi (đại diện của Bộ Ngoại giao Nhật) tại Seoul (Hàn Quốc) hôm 21-6, ông Kim cho biết Mỹ đang chuẩn bị cho cả hai kịch bản đối thoại lẫn đối đầu với Triều Tiên.
Ông Sung Kim hy vọng rằng việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhắc tới “đối thoại” hôm 18-6 là dấu hiệu cho thấy Mỹ “sẽ sớm nhận được phản hồi tích cực” và mong đợi câu trả lời từ Bình Nhưỡng. Ông Sung Kim cho biết Mỹ đã đề xuất đối thoại với Triều Tiên “ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào mà không cần điều kiện tiên quyết”.
Đặc phái viên Mỹ cũng tái khẳng định cam kết của Washington về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và ngoại giao, cũng như ủng hộ “đối thoại, hợp tác và gắn kết liên Triều”.
Phía Hàn Quốc cũng tuyên bố tiếp tục các nỗ lực cần thiết để nối lại đàm phán với Triều Tiên, khôi phục quan hệ Mỹ - Hàn - Triều theo hướng các bên đều có lợi.
Trước đó, ngày 18-6, ông Kim Jong-un đã bình luận công khai về chính sách Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Kim “nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị cho cả đối thoại lẫn đối đầu, đặc biệt là chuẩn bị đầy đủ cho cuộc đối đầu”.
Ngày 20-6, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi phát ngôn của ông Kim là một “tín hiệu hấp dẫn” nhưng lưu ý rằng Washington vẫn chờ Bình Nhưỡng trực tiếp liên lạc mới có thể tái khởi động đàm phán.
Chuyên gia Cheong Seong-chang thuộc Viện Sejong (do chính phủ Hàn Quốc thành lập) dự đoán Triều Tiên có thể sẽ quay lại đàm phán nhưng khó có khả năng ngay lập tức chấp nhận lời kêu gọi phi hạt nhân hóa. Theo ông Cheong, Bình Nhưỡng có thể xem xét tạm đóng băng chương trình hạt nhân để đổi việc Washington nới lỏng trừng phạt.