“Có một cuộc họp chung của Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) vào tháng 12 tới và Triều Tiên đã được mời. Chúng tôi nghĩ họ sẽ đến” - ông Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách (CSIS), đồng thời là cựu trợ lý đặc biệt của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay. Theo ông, phía Bình Nhưỡng đang thăm dò khả năng sẵn sàng mở một cuộc đối thoại của Mỹ.
Trước đó, các cuộc đối thoại ngoại giao không chính thức, còn được gọi là ngoại giao kênh hai, bao gồm sự tham gia của các quan chức Triều Tiên và các cố vấn, các chuyên gia phân tích của Mỹ, cũng được tổ chức không thường xuyên trong năm nay, giữa bối cảnh căng thẳng leo thang sau nhiều vụ phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un giữ lập trường chỉ đàm phán nếu Mỹ thay đổi chính sách tại bán đảo Triều Tiên. Ảnh: KCNA
“Hồi tháng 1, chúng tôi đã có một cuộc họp với tất cả phái đoàn đến từ các nước trong vòng đàm phán sáu bên ở TP Auckland, New Zealand. Cuộc họp này diễn ra thuận lợi. Triều Tiên có phái đoàn tham dự. Đó là một trong số ít cơ hội để họ có thể trình bày với mọi người về suy nghĩ của mình” - ông Cossa nói. Trong cuộc họp CSCAP hồi tuần trước, Triều Tiên đã không gửi phái đoàn nào đến tham dự, theo ông Cossa.
Cuộc họp chung của CSCAP vào ngày 14 và 15-12 tới ở Thái Lan có sự tham gia của phái đoàn 21 nước thành viên, trong đó có các phái đoàn từ Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và Mỹ, sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh trong khu vực với chủ đề “hướng tới biến đổi hòa bình trong trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.