Ngày 19-6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đến dự và chủ trì hội nghị Á-ÂU (ASEM) “Về cùng hành động ứng phó BĐKH nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững - định hướng tương lai”.
Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo các bộ ngành trung ương và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, các nhà khoa học cùng khoảng 200 đại biểu đến từ 53 thành viên ASEM, các tổ chức quốc tế, khu vực.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc hội nghị ASEM tại Cần Thơ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam là một trong năm quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.
“Những thách thức về BĐKH với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng ngày càng gay gắt sẽ cản trở các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế-xã hội bền vững” - Phó Thủ tướng đánh giá.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận thực chất, đưa ra những biện pháp cụ thể để định hướng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các thành viên ASEM trong tương lai; xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về sự cần thiết gia tăng nỗ lực ứng phó BĐKH gắn với phát triển bền vững...
Các đại biểu sau đó trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các nội dung như phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH); xây dựng năng lực thích ứng BĐKH, thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu; hành động ứng phó BĐKH, vai trò và sự tham gia của các bên liên quan; định hướng tương lai thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á - Âu vì phát triển bền vững...
Theo lãnh đạo Bộ TN&MT, năm 2016 xảy ra hạn hán nghiêm trọng, nước mặn xâm nhập sâu khiến 11/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL buộc phải công bố tình trạng thiên tai. Theo kịch bản BĐKH này thì đến năm 2100, nước biển có thể dâng làm ngập nhiều khu vực ven biển Việt Nam và gây ngập vĩnh viễn ĐBSCL Kể từ năm 2011 đến nay Chính phủ đã đầu tư 18.623 tỉ đồng để thực hiện các công trình thích ứng với BĐKH phù hợp với từng vùng, địa phương chịu nhiều tác động của BĐKH. Trong đó, khu vực ĐBSCL được đầu tư 6.760 tỉ đồng. |