Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Amy Searight giải thích vấn đề trên được thực hiện theo Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao kéo dài 10 năm. Thỏa thuận được Mỹ và Philippines ký kết hồi tháng 4-2014 nhưng chỉ mới có hiệu lực hồi tháng 1-2016 sau khi Tòa án Tối cao Philippines phán quyết thỏa thuận được chính phủ ban hành đúng hiến pháp.
Bà Amy Searight đánh giá năm nay là năm then chốt trong quan hệ Mỹ-Philippines. Bà cho biết tháng 4 tới Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter sẽ đến Philippines để xúc tiến thực hiện Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao.
Bà nói Lầu Năm Góc đã trình Quốc hội đề nghị chuẩn chi 50 triệu USD để củng cố an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, trong đó sẽ dành phần lớn kinh phí cho Philippines.
Tạp chí The Diplomat(Nhật) dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Mỹ xác định năm căn cứ Mỹ sử dụng ở Philippines gồm các căn cứ không quân Antonio Bautista, Basa, Lumbia, Mactan-Benito Ebuen và căn cứ Magsaysay.
The Diplomat dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Philippines Phillip Goldberg đánh giá “đây là vấn đề rất quan trọng” vì nhiều lý do:
Về chiến lược, liên minh Mỹ-Philippines từ lâu bị đánh giá là chưa xứng tầm thì nay đã phát triển một bước trước khi Tổng thống Aquino kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 6 và bảy tháng sau đến Tổng thống Obama. Mối quan hệ hai bên được nâng lên đến mức chưa từng thấy kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi hai căn cứ Subic và Clark ở Philippines cách đây hơn 20 năm.
Về quốc phòng, việc thực hiện Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao sẽ thúc đẩy lợi ích an ninh của hai bên và củng cố hợp tác chung. Washington sẽ đưa thêm quân, tàu chiến và máy bay đến Philippines trong chiến lược tái cân bằng.
Đối với Philippines, đồng minh Mỹ sẽ có khả năng củng cố năng lực của quân đội Philippines. Mục đích nhằm phát triển khả năng mà các nhà hoạch định quốc phòng gọi là “đáp trả tối thiểu đáng tin cậy” đối với các mối đe dọa, đặc biệt là đối với thái độ hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông. Ngoài ra, việc thực hiện thỏa thuận nêu trên sẽ giúp hai bên mở rộng các lĩnh vực huấn luyện và hợp đồng tác chiến.
Cuối cùng, nhiều căn cứ Mỹ sắp đưa quân tới mang ý nghĩa chiến lược rất quan trọng. Ví dụ: Căn cứ không quân Antonio Bautista ở đảo Palawan rất gần với biển Đông. Căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen trên đảo Mactan ở Cebu vốn là trung tâm cứu trợ sau bão Haiyan hồi tháng 11-2013 (hơn 6.000 người chết).