Sau ba tuần điều trị tích cực vì nhiễm COVID-19, nam diễn viên Nick Cordero - ngôi sao phim truyền hình tại Mỹ đã phải cắt bỏ đi chân phải của mình. Sau ca phẫu thuật, anh Nick Cordero vẫn phải nằm viện tại quận Los Angeles, bang California (Mỹ) với chiếc máy thở trong tình trạng chưa ổn định, trang South China Morning Post đưa tin.
Bước đầu các bác sĩ xác định trong cơ thể anh Cordero đã hình thành những cục máu đông gây cản trở tuần hoàn máu nghiêm trọng. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm mới được phát hiện trên các bệnh nhân COVID-19. Hiện tượng này được các nhà khoa học ở cả Trung Quốc, châu Âu và Mỹ ghi nhận.
Lý giải rõ hơn, BS Shari Brosnahan tại BV NYU Langone (New York, Mỹ) cho biết có nhiều nguyên do gây ra huyết khối ở những người mắc các chứng bệnh nặng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tỉ lệ này ở các bệnh nhân nhiễm COVID-19 lại cao hơn hẳn.
Các y tá trang bị đồ bảo hộ trước khi vào phòng chăm sóc bệnh nhân nặng ở Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES
Các cục máu đông không chỉ gây nguy hiểm cho các chi trên cơ thể con người mà còn có thể ảnh hưởng đến tim, phổi hoặc não. Chúng có thể gây tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong hoặc gây ra những cơn đau tim và đột quỵ.
Một bài báo gần đây trên tạp chí nghiên cứu khoa học Thrombosis của Hà Lan cho thấy có khoảng 31% trong số 184 bệnh nhân COVID-19 bị biến chứng huyết khối, một tỉ lệ rất cao.
BS Behnood Bikdeli tại BV New York-Presbyterian (New York, Mỹ), đã chủ trì một nhóm nghiên cứu về vấn đề này. Kết quả của nhóm vừa được công bố trên tạp chí của ĐH Tim mạch Mỹ. Theo đó, dù chưa xác định rõ mối liên quan trực tiếp giữa virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 và chứng đông máu nhưng BS Bikdeli cũng có những kiến giải ban đầu.
Theo ông, bệnh nhân COVID-19 nặng thường đi kèm với nhiều bệnh nền như tim mạch hoặc lao phổi. Bản thân các chứng bệnh này đã là tiền đề gây nguy cơ đông máu cao hơn những bệnh lý khác.
Cộng thêm việc điều trị dài ngày càng khiến bệnh nhân bị tăng thêm lượng máu đông do ở yên một chỗ quá lâu. Đó là lý do các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân nên đi lại, vận động khi có thể.
Các chuyên gia nhận thấy những rủi ro lớn đến nỗi bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể phải sử dụng thuốc để làm loãng máu ngay từ đầu để phòng ngừa việc hình thành khối máu đông.
Virus gây COVID dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: AP
Cùng với nỗi lo trên, các bác sĩ của Ý và Anh còn phát hiện dường như có mối liên quan mật thiết giữa virus SARS-CoV-2 với chứng Kawasaki, một dạng bệnh viêm nhiễm của trẻ em thấy nhiều ở các nước châu Á.
Chứng Kawasaki lần đầu được phát hiện cách đây 16 năm. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh trực tiếp nhưng các nhà khoa học đã xác định nó có liên quan với một chủng virus Corona mang tên NL63.
Bệnh thường tấn công trẻ em dưới năm tuổi, gây ra triệu chứng sốt, nổi mẩn da, sưng phù các tuyến và nghiêm trọng có thể gây viêm động mạch.
Những dấu hiệu xấu tương tự cũng được phát hiện ở Anh. Điều này khiến Bộ trưởng Y tế Matt Hancock trong cuộc họp báo thông tin về COVID-19 hôm 27-4 đã nhấn mạnh các cơ quan y tế phải xem xét mối liên hệ này một cách nghiêm túc.
Giáo sư virus học Ian Jones tại ĐH Reading (Anh) cho biết virus NL63 có cùng một dạng thức với virus SARS-CoV-2 khi lây nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận. “Chúng tôi cần có nhiều thời gian hơn để xác định mối liên quan này” - GS Jones nói rõ.