Trục xuyên suốt vẫn là suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP gần như liên tục; mức độ bất ổn vĩ mô cao và chưa có dấu hiệu được khống chế và kiểm soát chắc chắn, cách điều hành kinh tế vĩ mô dựa chủ yếu vào các công cụ và giải pháp hành chính, mang tính ngắn hạn trong khi hầu như chưa có nỗ lực cải cách dài hạn nào triển khai trên thực tế. Và như vậy, cho đến cuối năm 2012 đầu năm 2013, tình trạng chung của nền kinh tế vẫn là rất “bất thường”.
Nổi bật trong số các chính sách điều hành vĩ mô năm 2012 là về tiền tệ, cụ thể là lãi suất. Lãi suất được điều hành chủ yếu bằng mệnh lệnh của NHNN thay vì sử dụng công cụ thị trường. Với quyền được quyết định “trần lãi suất huy động”, NHNN luôn chủ động hạ giảm lãi suất huy động xuống mạnh hơn và nhanh hơn lãi suất tín dụng. Nghĩa là về nguyên tắc, một thời gian khá dài, cách làm của NHNN cho phép duy trì khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay an toàn, nếu không muốn nói là có lợi cho các ngân hàng trong khi các DN cứ phải trông chờ lãi suất hạ từng điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu (sáp nhập ngân hàng) chủ yếu xuất phát từ sự bức bách của thực tiễn chứ không diễn ra theo lộ trình bài bản định trước. Một số hoạt động chỉ dừng lại ở đề án trên giấy, chưa gắn kết trong một chương trình tổng thể và triển khai thực tế nên chưa có điều kiện kiểm chứng.
Cũng tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng giá cả bất động sản biến động không đúng với giá trị thực một phần do hoạt động của các sàn giao dịch chưa tuân thủ đúng quy định, việc phê duyệt và cấp phép đầu tư tràn lan, thiếu kiểm soát tạo nên sự hỗn loạn thông tin. Giá đất quy định chỉ bằng 30%-60% so với thị trường cho thấy Nhà nước chưa tổ chức được hệ thống theo dõi giá đất…
PGS-TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, nhận định nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đang ở trong “bẫy tăng trưởng thấp” với tình trạng cắt giảm các đòn bẩy tài chính, thị trường bất động sản đóng băng, hệ thống ngân hàng yếu kém, đầu tư của các công ty giảm sút và niềm tin kinh doanh ở mức thấp. Vì vậy, việc triển khai các biện pháp gây dựng lòng tin của người dân và DN qua Nghị quyết 01 và 02 ban hành đầu năm 2013 là cần thiết. Trong dài hạn, việc khôi phục niềm tin cần gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, để đưa nền kinh tế trở lại lộ trình tăng trưởng bền vững.
LÊ XUÂN