Nepal kiếm được hàng triệu đô la mỗi năm từ việc khai thác đỉnh Everest nhưng lại bị chỉ trích vì sự quản lý yếu kém của nước này. Năm 2014, ngọn núi đã phải đóng cửa sau khi 16 Sherpa (người dẫn đường) thiệt mạng trong một vụ tai nạn. Và mới đầu năm 2015, mùa leo núi cũng đã bị hủy bỏ sau khi một trận động đất mạnh gây ra vụ lở tuyết kinh hoàng chôn vùi 18 nhà leo núi.
Đỉnh Everest thu hút rất nhiều nhà leo núi đến từ khắp nơi trên thế giới. (ảnh: Getty Image/BBC)
Vụ trưởng Vụ Du lịch Nepal Govenda Karki phát biểu với hãng tin AFP rằng: “Chúng tôi không nghĩ là mình nên cấp phép cho những người không nhìn được, không đi được hay là không có đủ hai tay. Chinh phục đỉnh Everest không phải là trò đùa”.
“Ở đây không phải là vấn đề phân biệt đối xử. Bạn định sẽ leo núi cách nào nếu bị mất hai chân? Ai đó chắc sẽ phải cõng bạn lên. Chúng tôi mong muốn mọi người sẽ thấy an toàn hơn khi đến với ngọn núi, vì vậy nên chúng tôi yêu cầu phải tuân thủ một số quy định nhất định”.
Trận động đất mạnh đã gây ra vụ lở tuyết làm nhiều nhà leo núi thiệt mạng tháng 4-2015. (ảnh: Getty Image/BBC)
Ông Karki còn cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc khả năng chỉ cấp phép cho những nhà leo núi từng chinh phục độ cao trên 6.500 m. Trong những năm qua, đỉnh Everest đã thu hút rất nhiều nhà leo núi khao khát vượt qua khiếm khuyết để chứng tỏ bản thân.