Nếu EU mua chung khí đốt, thị trường sẽ ra sao?

(PLO)- Tính toán mua chung khí đốt của Liên minh châu Âu một khi được thực hiện sẽ tác động thế nào tới thị trường năng lượng?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch cho 27 nước thành viên cùng mua chung khí đốt. Đây sẽ là bước đi nhằm hạn chế khả năng giá khí đốt tăng cao trong thời gian tới, là bước đệm xây dựng khả năng cạnh tranh nguồn cung của EU trên thị trường năng lượng nói chung và thị trường khí đốt nói riêng, theo hãng tin Bloomberg.

Chuẩn bị mở thầu

Theo ông Sefcovic, EC đang cố gắng hoàn thiện kế hoạch mua chung khí đốt. Dự kiến kế hoạch được chính thức công bố vào ngày 15-3, sau đó sẽ được gửi tới các công ty, doanh nghiệp tại châu Âu quan tâm đến việc thu mua chung khí đốt.

Một hệ thống mua chung khí đốt có thể giúp xoay chuyển tình thế kinh tế ở châu Âu, bởi hệ thống này có thể giúp ngành công nghiệp châu Âu nhanh chóng phục hồi, đặc biệt là các ngành sản xuất thép, nhôm, gốm sứ, thủy tinh và ô tô.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu MAROS SEFCOVIC

Đến tháng 4, EU bắt đầu mở thầu nhắm đến các đối tác tiềm năng từ Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Đến tháng 6, EU sẽ chính thức ký hợp đồng với các đối tác tiềm năng có thể cung cấp khí đốt cho EU ổn định và lâu dài. Ông Sefcovic cho biết tính đến nay đã có hơn 50 doanh nghiệp cung cấp khí đốt trên khắp thế giới quan tâm tới việc hợp tác với EU.

Sau đợt đấu thầu đầu tiên, EU sẽ tổ chức thêm nhiều đợt mua chung để đảm bảo có đủ khí đốt cho các nước thành viên, dù hiện tại kho dự trữ khí đốt của châu Âu ước tính đang ở mức 61%.

Theo Bloomberg, EU đang hướng tới việc mua chung khí đốt như một công cụ để giảm thiểu khả năng giá khí đốt tăng cao do ảnh hưởng từ việc xa rời nguồn cung từ Nga. Theo các nhà hoạch định chính sách EU, giá khí đốt tăng cao chính là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát của khối này trở nên trầm trọng hơn. Nếu giá khí đốt cao thì hóa đơn chi tiêu của người dân cũng sẽ tăng, không chỉ gây áp lực cho nỗ lực kìm hãm lạm phát của khối mà còn khiến các nước thành viên đau đầu tìm cách hỗ trợ người dân.

Tác động sao đến thị trường?

Trang oilprice.com dẫn nhận định từ giới quan sát cho rằng việc EU mua chung khí đốt có thể tạo sự hấp dẫn về mặt thương mại đối với kinh tế khu vực song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.

Trong bối cảnh phải cạnh tranh nguồn cung khí đốt với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ thì việc EU tập hợp thành một nền tảng mua chung có thể giúp khối này nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, so với việc từng nước hành động riêng lẻ.

Tàu chở khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ cập cảng châu Âu. Ảnh: EURACTIV

Tàu chở khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ cập cảng châu Âu. Ảnh: EURACTIV

Ngoài ra, trước nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga thì việc phối hợp cùng nhau có thể giúp EU tăng khả năng phản ứng trước các cú sốc do thiếu nguồn cung mang lại. Sự phối hợp này sẽ cho phép các nước EU dùng chung các cơ sở hạ tầng khí đốt như các trạm tiếp nhận khí đốt và các đường ống dẫn khí đốt. Bên cạnh đó, khi hoạt động như một khối chung, việc thu mua khí đốt của EU sẽ tránh được các hạn chế về mặt pháp lý cũng như rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo EU về các rủi ro và thách thức từ việc mua chung này. Thách thức đầu tiên là các quy tắc cạnh tranh của EU có thể bị phá vỡ. Các công ty mua bán và phân phối một khi muốn tham gia vào hệ thống thu mua chung thì cần phải trao đổi nhiều thông tin cần thiết với EC. Điều này có thể khiến các thông tin bảo mật thương mại như mức độ tiêu thụ, giá cả và thị phần có nguy cơ bị tiết lộ.

Oilprice.com dẫn ý kiến giới quan sát rằng nếu từ việc hợp lại thành một khối mua chung khí đốt mà EU nhắm tới mục tiêu “chiếm thế thượng phong” trên thị trường nhằm kiểm soát giá khí đốt thì tham vọng này khó thành hiện thực.

Thực tế nhu cầu khí đốt vẫn ngày càng tăng, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa. Với tình hình này bên bán sẽ có tiếng nói nhiều hơn bên mua, sẽ có quyền kiểm soát giá cả nhiều hơn và EU khó có thể thành công nếu có ý định kiềm chế giá trên thị trường.

Thời điểm này, giới quan sát vẫn chưa thể đánh giá chính xác tác động từ việc EU mua chung khí đốt tới thị trường năng lượng, theo Bloomberg. Tuy nhiên, theo họ, EU có nguy cơ sẽ đối mặt với sự cạnh tranh dài hạn với các đối thủ trên thị trường. Triển vọng đẩy lùi lạm phát cũng sẽ không nhiều khi giá khí đốt có khả năng sẽ tăng lên trong mùa hè năm nay.•

EU sẽ khó “cai” khí đốt Nga trong nhiều năm

Theo Trưởng phòng Nghiên cứu Viện Dự báo kinh tế tại Viện Hàn lâm khoa học Nga Valery Semikashev, trong giai đoạn 2022-2023, Nga có thể rút khoảng 120-140 tỉ m3 khí đốt qua các đường ống tới châu Âu và khu vực này sẽ cần nhiều năm để bù đắp khối lượng này từ Nga, theo hãng thông tấn TASS.

Giải thích cho nhận định của mình, ông Semikashev cho biết công suất tiếp nhận và chuyển giao khí hóa lỏng (LNG) của EU hiện đang ở mức 20-30 tỉ m3/năm. Điều này có nghĩa là khối này sẽ mất nhiều năm để bù đắp cho sự suy giảm nguồn cung của Nga trên thị trường châu Âu.

Ông Semikashev dự đoán kinh tế EU có thể sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn nữa trong năm nay khi nhu cầu khí đốt thế giới sẽ tăng 1%-1,5%, trong khi đó lượng cung cấp không thay đổi hoặc thậm chí giảm đi do Nga thắt chặt nguồn cung trước ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm