Chính phủ Mỹ đang xem xét cắt toàn bộ ngân sách viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD cho Iraq trong năm tài khóa 2020 nếu nước này buộc quân đội Mỹ rút khỏi quốc gia vùng vịnh.
Thông tin trên vừa được Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng công bố với tờThe Wall Street Journal (WSJ) hôm 14-1.
“Mỹ sẽ liên tục rà soát những viện trợ của mình để đảm bảo rằng số tiền này phù hợp với những chính sách mục tiêu và sử dụng hiệu quả nguồn thuế của người Mỹ” - một quan chức Bộ Ngoại giao nói với WSJ.
Theo WSJ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ đạo rằng các nguồn viện trợ quân sự cho Iraq năm 2020 sẽ được sử dụng lại hoặc dành cho nơi khác. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Kể từ năm tài khóa 2017, Mỹ đã chi 250 triệu USD hằng năm nhằm hỗ trợ Iraq mua thiết bị quốc phòng do Mỹ sản xuất, giúp đào tạo và xây dựng thể chế quốc phòng của họ.
Theo WSJ, các khoản bảo lãnh cho vay của Mỹ cho Iraq cũng được hỗ trợ để giúp Baghdad bù đắp thâm hụt tài chính.
Hiện có khoảng 5.300 nhân viên quân sự Mỹ và hàng trăm đối tác quốc tế vẫn đang có mặt tại Iraq nhằm hỗ trợ nước này.
Ngoài ra, WSJ còn dẫn lời khẳng định từ giới chức Mỹ rằng sẽ không có việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Iraq. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien nhấn mạnh Washington chỉ rút quân với một số điều khoản nhất định.
Thông tin về khả năng Mỹ rút ngân sách viện trợ cho Iraq xuất hiện không lâu sau tuyên bố của Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joey Hood, rằng Baghdad sẽ phải đối mặt thêm các lệnh trừng phạt của Washington vì quyết định mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga.
“Việc mua S-400 có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt nặng hơn, vì thế chúng tôi khuyên không nên thực hiện các giao dịch đó” - ông Joey Hood nói.
Trước đó, các thành viên Quốc hội Iraq khẳng định đã xong phần đàm phán với Nga về việc mua hệ thống S-400 với lý do “không thể đoán trước được mối quan hệ giữa Iraq và Mỹ” .
"Chính phủ Iraq phải nỗ lực để chấm dứt sự hiện diện của bất kỳ quân đội nước ngoài nào trên đất Iraq và cấm họ sử dụng đất, không phận hoặc mặt nước vì bất kỳ lý do gì" - nghị quyết Quốc hội Iraq nói.
Phía Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng sẽ cử phái đoàn tới Baghdad thảo luận về vấn đề đối tác chiến lược, thay vì phải rút quân Mỹ ra khỏi Iraq, theo WSJ.