Nga cảnh báo tăng cường biện pháp quân sự vì mối đe dọa từ Mỹ

Nga cảnh báo khả năng tăng cường các biện pháp kỹ thuật và quân sự để đối phó với các mối đe dọa từ việc Mỹ và các đồng minh liên quan tới kế hoạch xây dựng kho tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Ngày 5-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bình luận về việc các quan chức quốc phòng Mỹ liên tục phát biểu về kế hoạch xây dựng và triển khai kho tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên khắp thế giới khi mà Washington đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Anh là nước hưởng ứng tích cực nhất đối với ý định trên của Mỹ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các biện pháp thực tiễn của Mỹ và các đồng minh ở châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương về việc xây dựng một kho tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất, bao gồm việc xem xét thích đáng các kế hoạch mà Anh đã công bố" - bà Zakharova nói. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS

Nhà ngoại giao Nga cáo buộc mục đích Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn có kho tên lửa mới ở châu Âu là nhằm tấn công vào các "hệ thống thuần túy vì mục đích phòng thủ" của Nga.

Bà Zakharova lưu ý rằng những tuyên bố của Mỹ, Anh được đưa ra trong bối cảnh "không có tín hiệu rõ ràng nào" cho thấy chính quyền mới ở Mỹ (do Tổng thống Joe Biden lãnh đạo) và phần lớn các thành viên NATO khác muốn giải quyết "cuộc khủng hoảng INF".

Bà Zakharova giải thích rằng Moscow "không nhận thấy bất kỳ phản ứng nào mang tính xây dựng" từ phương Tây trong việc thông qua và hợp tác đảm bảo thi hành các thỏa thuận mới liên quan tới các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mắc đất.

Bà Zakharova đề cập việc hôm 31-3, Anh công bố ý định nâng cấp hệ thống rocket đa nòng (MLRS) để hệ thống này có thể phóng tên lửa tấn công chính xác (PrSM). Đáng chú ý, Anh mô tả PrSM chỉ có "tầm bắn 499 km" - điều mà bà Zakharova cho là "một sự lừa dối rõ ràng và có chủ ý". Nhà ngoại giao Nga lý giải rằng phía Mỹ đã có kế hoạch cải tiến để nâng tầm bắn của PrSM lên 800 km.

Nga cho rằng các nước NATO đang tạo đà cho các bước quân sự hóa mạnh mẽ hơn, cảnh báo điều này sẽ thu hẹp cơ hội đạt được "một giải pháp chính trị và ngoại giao cho các vấn đề 'hậu INF' và ngăn chặn sự leo thang nghiêm trọng trong vấn đề tên lửa".

Bà Zakharova lưu ý rằng Nga vẫn để mở khả năng đối thoại nhưng ngay sau đó, cảnh báo rằng Nga "không thể loại trừ" khả năng chuyển trọng tâm nhiều hơn vào "các động thái đối phó mang tính kỹ thuật-quân sự chống lại mối đe dọa tên lửa đang gia tăng".

Cuối tháng 7-2019, Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi INF - thỏa thuận quốc tế được ký năm 1987 với quy định Mỹ và Liên Xô (sau này nước kế thừa là Nga) cam kết không chế tạo, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Lý do trực tiếp mà Washington đưa ra để rút khỏi INF là lời cáo buộc của chính quyền ông Donald Trump - người đứng đầu Nhà Trắng lúc bấy giờ - về việc hệ thống tên lửa Novator 9M729 của Nga vi phạm INF. Nga bác bỏ cáo buộc của phía Mỹ và tố ngược lại rằng Washington chỉ muốn tạo cớ để tự rút khỏi thuận. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm