Ngày 18-7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng Moscow “không loại trừ khả năng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu Mỹ tiếp tục kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa đến Đức, theo đài RT.
Ông Ryabkov bình luận về tuyên bố chung của Mỹ và Đức, công bố hôm 10-7, rằng Washington sẽ bắt đầu triển khai các loại vũ khí tầm xa (bao gồm Tên lửa Tiêu chuẩn 6 (SM-6), tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu vượt âm) đến Đức theo từng đợt vào năm 2026.
“Tôi không loại trừ bất cứ điều gì” - ông Ryabkov nói khi được hỏi liệu Nga có triển khai tên lửa hạt nhân để đáp trả kế hoạch của Mỹ và Đức hay không.
Theo nhà ngoại giao Nga, Moscow cần phải hiệu chỉnh phản ứng phù hợp với sức mạnh kết hợp của các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Do đó, Nga không nên áp đặt bất kỳ “rào cản nội bộ” nào liên quan việc triển khai cái gì, ở đâu và khi nào.
“Có rất nhiều lựa chọn. Không phải là đe dọa bất kỳ ai, mà là tìm ra phương pháp hiệu quả nhất để ứng phó với những thách thức đang thay đổi” - ông Ryabkov nói thêm.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng động thái của Berlin và Washington “là phản ứng trước mối đe dọa từ việc Nga triển khai tên lửa Iskander ở Kaliningrad”. Kaliningrad là vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga nằm trong lòng châu Âu, giáp với Litva và Ba Lan.
Đáp lại phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Ryabkov cho rằng phương Tây “tìm kiếm những cái cớ xa vời” để cáo buộc Nga xâm phạm an ninh.
“Điều này thật đáng chê trách, nhưng sẽ không ngăn cản chúng tôi hành động để đảm bảo an ninh dọc theo toàn bộ biên giới Nga, bao gồm cả khu vực hoạt động của chiến dịch quân sự đặc biệt [ở Ukraine]” - thứ trưởng Ngoại giao Nga lưu ý.
Mỹ và đồng minh phương Tây chưa bình luận phát ngôn của ông Ryabkov.