Hải quân Nga xác nhận trong một cuộc thám hiểm nghiên cứu khoa học ở Vòng cực Bắc, họ đã tìm thấy sáu hòn đảo chưa từng đặt chân đến trước đây giữa những con sông băng đang tan ra, đài RT đưa tin sáng 24-10.
Năm hòn đảo đầu tiên được phát hiện thuộc quần đảo Novaya Zemlya nằm không xa đất liền tỉnh Arkhagelsk - khu vực tận cùng phía đông bắc phần lãnh thổ châu Âu của Nga. Diện tích các đảo này nằm trong khoảng 90-54.500 km2.
Hòn đảo thứ sáu được tìm thấy ở Vịnh Gunter, thuộc quần đảo Franz Josef Land, nằm xa hơn về phía cực bắc so với quần đảo Novaya Zemlya.
Hình minh họa. Ảnh: RT
Đại úy Alexei Kornis, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thủy văn của Hạm đội phương Bắc (Nga), cho biết có sự xuất hiện của thảm thực vật và có một số loài chim sinh sống ở các đảo này. Ông cho biết thêm, đội thám hiểm cũng đã tìm thấy xác một con hải cẩu bị gấu ăn dở và tin tưởng đó là dấu hiệu cho những phát hiện đầy hứa hẹn ở những hòn đảo này trong tương lai.
Ngoài ra, ở những điểm đến khác trong chuyến thám hiểm này, đội thám hiểm đã tìm thấy một loạt các vật dụng từ khoảng thế kỷ 19 và thế kỷ 20, một công trình khí tượng từ thời Liên Xô đã bị bỏ hoang trên quần đảo Novaya Zemlya và xác một chiếc tàu bị Đức Quốc xã phá hủy hồi Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đoàn thám hiểm cũng thừa nhận đã nhiều lần chạm trán với các loài động vật hoang dã như gấu Bắc cực hay hải mã. Tuy nhiên, không có thiệt hại nào sau các vụ chạm trán này.
Thông tin về sự tồn tại của các hòn đảo này được công bố cách đây ba năm, sau khi một sinh viên cơ khí tên Marina Migunova đăng tải một số hình ảnh vệ tinh về khu vực này vào thời gian sông băng tan chảy làm lộ ra các vùng đất mới.
Các nhà địa lý và các nhà hải dương học đang tiếp tục các nỗ lực thám hiểm khi mà sông băng tan đem lại cơ hội tiếp tục phát hiện và tiếp cận nhiều vùng đất mới ở vùng cực Bắc.