Ấy vậy mà bóng đá Việt Nam thuộc hạng thu nhập cao so với những nền bóng đá phát triển trên thế giới.
Không phải thế sao khi Lee Nguyễn đang chơi và tỏa sáng trong màu áo New England Revolution của giải nhà Mỹ bỗng dưng muốn trở lại Việt Nam đá V-League dù đấy là nơi mà Lee Nguyễn từng sa sút tệ hại khi đánh mất chất chuyên mà học kiểu nghiệp dư lĩnh lương cao.
Không chỉ Lee Nguyễn mà trước đây hàng loạt tuyển thủ Thái Lan cũng thế, sang Việt Nam đá bóng và lĩnh lương cao một thời gian là quay về lại Thái Lan. Các cầu thủ châu Phi cũng vậy, họ râm ran câu chuyện sang Việt Nam tìm cơ hội dễ hay nói đúng hơn là kiếm một mớ lót tay lương cao rồi về nước sinh sống hay tìm một nơi có bóng đá chuyên nghiệp thực thụ để sống đúng với nghề.
Trước đây, bóng đá Việt Nam còn có những cầu thủ dạng “Tây ba lô” biết đá bóng và thế là cũng có lương, có lót tay. Sau này thì có những cầu thủ chiều chiều mang giày ra sân tập vài tiếng đồng hồ rồi tới trận, tới lượt ra sân, thế là lương cao hơn giám đốc.
Có điều cầu thủ lương cao, phí chuyển nhượng cao nhưng năm nào, mùa nào bóng đá Việt Nam cũng có vài ba CLB khó khăn, không có kinh phí để dự giải rồi hăm bỏ giải làm cả làng sốt vó.
Có điều rất lạ là dù đội bóng khó khăn kiểu gì hay CLB có thể giải tán, đội không hoạt động được vì không có tiền nhưng quan chức, lãnh đạo đội thì khá lên, mua xe, mua đất, mua nhà nhiều vô kể.