Nghiêm phải từ việc cụ thể

“Nhưng trong thời gian qua, chúng ta thực hiện chưa nghiêm. Bây giờ, kiến nghị của Ủy ban Kinh tế là phải thực hiện đúng các quy định về thị trường ngoại tệ”.

Điều vị chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế kiến nghị thực ra không mới, bởi thói quen xài đôla thay cho đồng tiền bản địa đâu chỉ có ở người dân bình thường và đâu chỉ có ở thời xa xưa?! Gần nhất là chuyện một ngân hàng thương mại quốc doanh công khai tuyên bố sẽ bảo đảm giá trị tiền gửi nội tệ bằng... đôla mà Ngân hàng Nhà nước chẳng thấy có ý kiến gì! Còn trước đó, ngay trong đợt vận động quyên góp giúp nhân dân Nhật khắc phục hậu quả động đất - sóng thần, nhiều đơn vị thoải mái công bố các con số quyên góp, trích quỹ tính bằng... đôla chứ không phải tiền Việt Nam dù cho trên tivi là hình ảnh các công chức lần lượt móc túi lấy tiền Việt bỏ vào thùng từ thiện!

Ai cũng biết chủ quyền quốc gia về kinh tế thể hiện ở phạm vi sử dụng và nhất là giá trị đồng nội tệ. Campuchia, một đất nước có đến 95% giao dịch là đôla (đến máy ATM cũng nhả đôla), dù bị sức ép rất lớn của giới đầu tư nước ngoài song cuối cùng đã quyết định chọn đồng nội tệ để định giá cổ phiếu khi khai trương sàn giao dịch chứng khoán. Điều đó cho thấy bất cứ một nhà nước nào cũng phải thể hiện quyền lực của mình qua việc độc quyền in ấn, phát hành, sử dụng đồng tiền quốc gia để tránh lệ thuộc khi giao dịch, mua bán hàng hóa trong phạm vi lãnh thổ.

Ở ta, đúng như Ủy ban Kinh tế nhận xét, thói quen xài đôla đã ăn sâu đến mức việc quy đổi giá trị sang đôla như một phản xạ tự nhiên. Không chỉ là các hợp đồng nhập khẩu hay các dịch vụ tư vấn của nước ngoài, mà đến cả các mặt hàng nhỏ bé như ly cà phê hay con chuột máy tính từ lâu cũng tính bằng ngoại tệ mà không thấy ai nhắc nhở. Tuy cần phải siết lại thói quen đó của dân nhưng sự gương mẫu ở cơ quan nhà nước trong bối cảnh cần phục hồi niềm tin vào đồng nội tệ thì bắt buộc phải đề cao.

Nghiêm phải từ những chuyện cụ thể như thế.

BẰNG LĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm